Điểm chung của các vụ giẫm đạp và nguyên nhân gây thiệt mạng
Hàng loạt thảm họa giẫm đạp diễn ra, từ lễ hội âm nhạc ở Houston, vụ chen lấn nhau ở một sân vận động bóng đá ở Anh, cuộc hành hương ở Saudi Arabia cho tới vụ giẫm đạp lên nhau ở một hộp đêm Chicago. Thảm kịch này lại một lần nữa xảy ra ở lễ hội Halloween tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc tối 29/10 khiến ít nhất 149 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương.
Hầu hết các thảm kịch này đều có một số điểm chung. (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng trong các thảm họa giẫm đạp
Trong khi các hình ảnh và video đám đông cố gắng trốn thoát cho thấy việc bị giẫm đạp có lẽ là nguyên nhân gây ra hầu hết trường hợp thương vong thì thực tế là đa phần những người thiệt mạng trong các vụ chen lấn là do bị ngạt thở.
Một điều khó tin được là lực đẩy của đám đông có thể mạnh đến nỗi bẻ cong cả thép. Điều đó đồng nghĩa rằng nhiều người không thể thở được trong đám đông chen lấn như vậy.
"Khi mọi người cố gắng đứng lên, tay chân họ sẽ đan vào nhau. Tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não bắt đầu xảy ra", ông G. Keith Still, giáo sư tại Đại học Suffolk ở Anh cho hay.
"Trong khoảng 30 giây, họ sẽ mất nhận thức và trong khoảng 6 phút, họ rơi vào tình trạng ngạt khí. Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong không phải là bị giẫm đạp mà là do ngạt khí".
Trải nghiệm của những người sống sót
Những người sống sót sau các thảm kịch chen lấn đã chia sẻ rằng họ bị đẩy vào tình trạng giống như có một dòng thác người đổ lên khi những người khác tuyệt vọng trốn thoát trèo qua người họ. Họ cũng cho rằng, trải nghiệm đó giống như cảm giác bị ghì chặt vào một cánh cửa không thể mở ra.
"Những người sống sót cho biết họ dần bị đè nén, không thể di chuyển trong khi đầu họ bị khóa chặt giữa những cánh tay, bờ vai và những khuôn mặt đang hoảng loạn", một bài báo cho hay sau vụ giẫm đạp năm 1989 ở sân vận động Hillsborough ở Anh, dẫn đến gần 100 người thiệt mạng.
"Họ biết rằng họ đang chết và tuyệt vọng để tìm cách tự cứu mình", bài báo này viết.
Tại một hộp đêm ở Chicago năm 2003, tình trạng chen lấn đám đông đã xảy ra sau khi lực lượng an ninh dùng hơi cay để giải tán một vụ đánh nhau. 21 người đã thiệt mạng trong vụ việc trên. Hay vào tháng này, tại Indonesia, 131 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh dùng hơi cay nhằm giải tán các cổ động viên quá khích tràn vào sân cỏ sau trận bóng, dẫn tới tình trạng giẫm đạp lên nhau tại các cửa ra.
Tại Nepal năm 1988, một trận mưa lớn bất ngờ cũng khiến các cổ động viên bóng đã vội vã chạy về phía cửa ra của sân vận động khiến 93 người thiệt mạng sau khi đám đông chen lấn nhau. Còn thảm kịch giẫm đạp mới đây ở Hàn Quốc, một số hãng tin cho biết vụ việc xảy ra khi số lượng lớn người đổ về một quán bar sau khi nghe tin một người nổi tiếng có mặt ở đây.
- Vì sao FIFA cấm dùng hơi cay trong bóng đá?
- Top 7 hiệu ứng tâm lý não bộ vẫn “đánh lừa” chúng ta mỗi ngày mà bản thân rất khó nhận ra
- Nữ tiến sĩ gốc Việt đột phá với sáng chế pin 400 năm tuổi