DNA trong thực vật giúp cho tế bào trường thọ
Các nhà khoa học Italy vừa chụp và quan sát được tình trạng điều chỉnh đội hình và hình thành “đê” phòng hộ của guanine (một trong các base có chứa nitơ trong các nucleic axit DNA).
“Đê” bảo hộ này có thể bảo vệ đầu mẩu DNA (telomere), giúp cho telomere không bị rút ngắn, qua đó kéo dài tuổi thọ của tế bào.
Phát hiện này mở ra con đường mới trong nghiên cứu điều trị ung thư và kéo dài tuổi thọ con người.
Trong tế bào bình thường, telomere sẽ dần dần rút ngắn theo sự phân chia tế bào. Số lượng phân chia tế bào càng nhiều thì các telomere bị tổn thất càng nhiều, tuổi thọ càng ngắn.
Báo cáo của Đại học Bologna (Italy) cho biết, các nhà khoa học đã chụp được tình trạng đang “sắp xếp đội hình chiến đấu” của các guanine thông qua kính hiển vi có độ phân giải cao: cụ thể là các guanine đang từ đội hình đường thẳng biến thành 4 nhóm, sau đó tập hợp lại tạo thành “đê” phòng hộ giống như đội hình mai rùa của quân đội La Mã cổ đại. “Đê” phòng hộ này có tác dụng bảo vệ các telomere.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện chỉ cần kích thích hóa học đơn giản ví dụ như cho vào hoặc lấy ra muối trong tế bào là có thể kiểm soát được sự sắp xếp đội hình của các guanine.
Phát hiện trên cho thấy guanine có vai trò then chốt trong quá trình lão hóa của tế bào và sự phát triển tế bào ung thư.
Trong trường hợp thông thường, guanine có thể duy trì chiều dài của telomere, kéo dài tuổi thọ tế bào. Ngoài ra, trong tế bào ung thư, guanine cũng có thể duy trì chiều dài của telomere, qua đó làm cho tế bào ung thư có thể tiếp tục sinh trưởng.
Do đó, việc tìm hiểu sâu về hình thái đội hình và cơ chế tổ hợp của các guanine giúp mở ra con đường mới trong nghiên cứu các loại thuốc điều trị ung thư hoặc kéo dài tuổi thọ./.