Đố bạn: Loài động vật nào có cánh tay dài nhất?

Khi nói đến động vật tay dài, chúng ta có thể nghĩ đến loài vượn, nhưng thực tế có một loài khác đã đánh bại chúng.

Động vật nào có cánh tay dài nhất?

Nếu chỉ dựa vào kích thước, cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) sẽ dễ dàng đè bẹp tất cả các đối thủ khác bằng cặp chân chèo (vây) khổng lồ của chúng. Chi trước, hay cánh tay của cá voi, đã bị biến đổi thành chân chèo trong quá trình tiến hóa từ tổ tiên động vật có vú trên cạn. Chân chèo của cá voi lưng gù có thể dài đến 4,9 mét.

Nhưng khi xét về kích thước tương đối so với cơ thể, có hai loài động vật được cho là có cánh tay dài nhất trong thế giới động vật, không tính các loài chim.

Một tìm kiếm nhanh có thể cho bạn kết quả loài vượn nhỏ (Gibbon) sống trong các tán rừng ở Đông Nam Á, là loài có cánh tay dài nhất so với kích thước cơ thể. Tuy nhiên, theo Mary Ellen Holden, một nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở Thành phố New York, thì loài lười ba ngón mới thật sự xếp hạng nhất.


Lười cổ trắng

Một tỷ lệ quan trọng để so sánh các chi của động vật có vú là chỉ số intermembral (IM) - chiều dài của chi trước của động vật chia cho chiều dài của chi sau, nhân với 100. Con người có chỉ số IM trong khoảng 68 đến 70, nghĩa là cánh tay của chúng ta dài khoảng 70% chân của chúng ta.

Chỉ số IM của động vật, còn sống hay đã hóa thạch, là chỉ số cho biết nó sử dụng các chi nào để đi lại. Các loài động vât dùng hai chân để đi lại, cũng như động vật leo trèo và nhảy, thường có chỉ số IM nằm trong khoảng từ 50 đến 80, tiếp theo là bốn chân, ở mức 80 đến 100.


Động vật với chỉ số IM hơn 100 có xu hướng tương quan với chuyển động lơ lửng - bao gồm cả việc đu từ cây cối.

Holden nói rằng chi trước dài hơn cũng có thể tương quan với cách đi bộ bằng đốt ngón tay, một phương pháp được sử dụng bởi các loài vượn lớn như tinh tinh (Pan troglodytes) và các kiểu dáng đi khác thường, giống như của linh cẩu.

Vượn nhỏ với cánh tay dài gấp 1,5 lần chiều dài chân, là một trong số những ứng cử viên sáng giá nhất cho chỉ số IM cao nhất trong số các loài linh trưởng. Vượn mực (Symphalangus syndactylus), một loài vượn được tìm thấy ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia; và vượn đen tuyền (Nomascus concolor) với tình trạng bảo tồn cực kỳ nguy cấp, được tìm thấy ở Trung Quốc, Lào và miền Bắc Việt Nam; có chỉ số IM trung bình lần lượt là 140 và 147. Để so sánh, con người với chỉ số đó sẽ có cánh tay gần gấp đôi chiều dài hiện tại.

Holden cho biết: "Vượn nhỏ tiến hóa để kiếm ăn bằng cách nắm lấy cành cây và đung đưa, theo thời gian, dẫn đến việc lựa chọn phát triển cánh tay ngày càng dài hơn. Chúng thực sự có thể xoay quanh vai gần như 360 độ."

Tuy nhiên, những con lười đã đánh bại chúng: con lười cổ trắng (Bradypus tridactylus) và con lười cổ nâu (Bradypus variegatus) có cánh tay dài hơn chân trung bình 1,7 lần, với chỉ số IM tương ứng là 171 và 172.


Vượn mực.

Lười và vượn rất khác nhau ở cách chúng sử dụng cánh tay để di chuyển qua cây. Những con lười, mặc dù là những tay bơi cừ khôi, nhưng lại thích treo mình trên cành cây và bò dọc theo chúng với tốc độ thấp kỷ lục, trong khi vượn có thể nhanh chóng đu từ cành này sang cành khác. Theo Holden, một số con lười thậm chí còn được phát hiện có cánh tay dài gấp đôi chân của chúng.

"Một số loài lười ba ngón trong chi Bradypus có cánh tay dài nhất so với cơ thể", Holden nói. "Do vậy, loài lười đã hơn loài vượn khi nói đến chiều dài cánh tay tương đối."

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất