Đoạn ghi âm đầu tiên của NASA trên sao Hỏa có tiết lộ về sự sống?
Robot thăm dò Perseverance của NASA đã ghi lại những âm thanh chân thực kéo dài 5 giờ đồng hồ trên bề mặt sao Hỏa.
Ngày 18/10, Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA đã công bố đoạn ghi âm đầu tiên được ghi lại trên sao Hỏa. Đây cũng là những âm thanh đầu tiên mà con người được nghe thấy từ Hành tinh Đỏ thông qua micro chuyên dụng, gắn trên robot tự hành mang tên Perseverance.
Con người đang tiến từng bước trong nỗ lực khám phá bí ẩn trên Hành tinh Đỏ.
Mặc dù là một hỗn hợp âm thanh không rõ ràng gồm tiếng gió, tiếng lạo xạo, và cả tiếng động cơ của Perseverance đang chuyển động, song các nhà khoa học khẳng định đây là thành quả vô giá.
Cụ thể trong những dự án nghiên cứu về Hành tinh Đỏ, các âm thanh thu được sẽ mang lại giá trị đáng kể, NASA khẳng định. Nó giúp họ biết thêm về bầu khí quyển của hành tinh, cách mà âm thanh truyền qua không khí, cũng như có thể hé lộ những tín hiệu của sự sống, nếu có.
"Tất cả chúng ta đều đã thấy những hình ảnh tuyệt đẹp chụp từ sao Hỏa, nhưng mãi tới nay mới có những âm thanh đầu tiên", Tiến sĩ Lanza - nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) ở New Mexico, cho biết.
"Điều đó khiến tôi cảm thấy như mình gần như đang đứng ở ngay trên bề mặt sao Hỏa. Nó là một điều tuyệt vời".
Tuy nhiên điều đáng tiếc là cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào dù là hình ảnh hay âm thanh, cho thấy dấu hiệu của một loài sinh vật tồn tại trên Hành tinh Đỏ.
Micro ghi lại âm thanh được gắn trên robot Perseverance. (Ảnh: NASA)
Được biết, robot Perseverance trang bị 2 micro chuyên dụng, cung cấp bởi LANL và một tập đoàn các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Pháp dưới sự bảo trợ của Trung tâm National d'Etudes Spatiales (CNES).
Vị trí của micro - một ở trên cao, và một ở dưới thấp, giúp nó theo dõi toàn bộ "nhiễu động vi mô" hoặc sự thay đổi từng phút trong không khí.
Các nhà khoa học thậm chí đã tính đến áp suất khí quyển, mật độ và hóa học để từ đó mô phỏng cách thức âm thanh từ Trái đất có thể thay đổi trên sao Hỏa.
Trước đó, họ tin rằng do bầu khí quyển trên sao Hỏa loãng hơn Trái đất, nên sẽ khó phát hiện những âm thanh có âm vực cao.
Tuy nhiên dựa trên những bản ghi âm, các nhà khoa học đã vô cùng bất ngờ khi micro chuyên dụng có thể thu được âm thanh rõ ràng từ những cánh quạt của robot trực thăng Ingenuity với kích thước cực nhỏ, hoạt động cách đó khoảng 80m vào ngày 30/4.
Từ đó, họ đã có thể loại bỏ 2 trong số 3 mô hình dự đoán về cách âm thanh được di chuyển trên sao Hỏa.
Theo NASA, việc hiểu bản chất của âm thanh trên sao Hỏa có thể giúp các nhà khoa học chẩn đoán các vấn đề xảy ra với tàu vũ trụ khi nó đáp xuống trên một hành tinh xa xôi. Từ đó họ sẽ có kế hoạch để chuẩn bị tốt hơn cho những chuyến viếng thăm Hành tinh Đỏ trong tương lai.
- Tất cả robot sao Hỏa đồng loạt "hồi sinh"
- Khu vực tàu Perseverance hạ cánh là một đáy hồ sao Hỏa cổ đại, giờ là lúc tìm hóa thạch của sự sống
- Vào miệng núi lửa Israel để mô phỏng sự sống trên sao Hỏa