Vào miệng núi lửa Israel để mô phỏng sự sống trên sao Hỏa
Ngày 10/10, dưới miệng núi lửa Ramon ở sa mạc miền nam Israel, một nhóm nhà khoa học sáu người gồm năm nam và một nữ đã bắt đầu mô phỏng cuộc sống trong khoảng một tháng trên sao Hỏa.
Các nhà khoa học tham gia trình diễn một thí nghiệm do các cơ quan của Áo và Israel dẫn đầu mô phỏng sứ mệnh lên sao Hỏa. (Ảnh: Reuters).
Chương trình mô phỏng sao Hỏa AMADEE-20 do Diễn đàn Vũ trụ Áo hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Israel và nhóm địa phương D-MARS để thực hiện một sứ mệnh thực địa tương tự trên sao Hỏa trong sa mạc Negev, Israel.
Môi trường sống trên sao Hỏa của họ nằm dưới một mỏm đá. Bên trong họ ăn, ngủ và tiến hành các thí nghiệm. Họ mặc những bộ đồ không gian giả được gắn máy ảnh, micrô và hệ thống thở khép kín.
Giám đốc của Diễn đàn Vũ trụ Áo Gernot Gromer nói: "Mọi sai lầm chúng tôi mắc phải ở đây, trên trái đất, chúng tôi hy vọng sẽ không lặp lại nó trên sao Hỏa".
Một nhà khoa học chuẩn bị tham gia mô phỏng cuộc sống trong khoảng một tháng trên sao Hỏa. (Ảnh: Reuters).
Việc một số quốc gia phóng tàu thăm dò sao Hỏa gần đây đã thu hút những người hâm mộ thiên văn học trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của tàu thăm dò Perseverance và chiếc trực thăng Ingenuity của NASA lần đầu tiên cất cánh trên sao Hỏa đã mang đến hình ảnh mới về bề mặt hành tinh. Nhưng việc đưa con người đặt chân lên sao Hỏa có thể sẽ phải sau hơn một thập kỷ nữa.
Chương trình AMADEE-20 dự kiến được thực hiện vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại do Covid-19. Nhóm các nhà khoa học hy vọng sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc mới giúp chuẩn bị cho nhiệm vụ đổ bộ lên sao Hỏa sau này.
Một nhà khoa học cùng máy bay không người lái chuẩn bị tham gia thử nghiệm. (Ảnh: Reuters).
Đứng bên cạnh mô hình rộng 120m2, có hình dạng giống như hai chiếc lều lớn nối liền với nhau, ông Gromer nói: “Môi trường sống ở đây, ngay bây giờ, là trạm nghiên cứu tương tự (trên sao Hỏa) phức tạp nhất, hiện đại nhất trên hành tinh này”.
Sáu thành viên trong nhóm liên tục được theo dõi qua camera, các dấu hiệu sinh tồn, các chuyển động bên trong của họ được theo dõi để phân tích. Tất cả những điều này để hiểu rõ hơn về nhân tố con người, ông Gromer cho biết.
Sáu nhà khoa học gồm 5 nam, 1 nữ tham gia mô phỏng cuộc sống trên sao Hỏa. (Ảnh: Reuters).
Bên ngoài, các kỹ sư và chuyên gia khác cũng làm việc bằng máy bay không người lái và máy bay thám thính để cải thiện việc lập bản đồ và điều hướng tự động trên một thế giới không có GPS.
Họ sẽ thực hiện hơn 20 thí nghiệm trong các lĩnh vực địa chất, sinh học và y học và hy vọng sẽ công bố được một số kết quả khi hoàn thành.
Các nhà khoa học ngồi cùng nhau tại cơ sở trong cuộc trình diễn thí nghiệm. (Ảnh: Reuters).
Anh Alon Tenzer, 36 tuổi, trong trang phục bộ đồ không gian chứa 50 kg thiết bị cho biết: “Chúng tôi gồm sáu người làm việc trong một không gian chật hẹp, chịu rất nhiều áp lực để thực hiện nhiều thử nghiệm. Nhưng tôi tin tưởng phi hành đoàn của mình có thể vượt qua những thử thách đó".