Đội bóng Lợn Hoang của Thái Lan kể chuyện mắc kẹt trong hang Tham Luang
Giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan cùng Huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang là câu chuyện được cả thế giới quan tâm trong những ngày qua.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước truyền thông kể từ sau vụ mắc kẹt, các cầu thủ của đội bóng thiếu niên Thái Lan trông có vẻ vui vẻ và thoải mái khi họ cùng nhau ngồi với đội thợ lặn Hải quân Hoàng gia Thái Lan SEALS. Cả đội đã chuẩn bị tâm lý để chia sẻ chi tiết về việc họ đã trải qua 2 tuần trong hang sâu tối tăm như thế nào.
Đội bóng Lợn Hoang xuất hiện trong buổi họp báo ngày 18/7. (Ảnh: The Nation).
Những cậu bé xuất hiện trong bộ đồng phục với in hình những chú Lợn Hoang - tên của đội, đã trả lời một loạt câu hỏi được lựa chọn từ trước để tránh cho các em bị ảnh hưởng tâm lý.
Bị lạc như thế nào?
Huấn luyện viên của đội bóng Lợn Hoang, Ekkapol "Ake" Chantawong nói rằng, sau buổi tập ngày 23/6, cả đội đã nhất trí sẽ cùng nhau đi “tham quan” Tham Luang lần đầu tiên. “Chúng tôi có ý định sẽ đi khám phá hang Tham Luang trong khoảng 1 giờ đồng hồ”, Ake nói.
Ake cho biết, chuyến đi đó không phải là để mừng sinh nhật như các thông tin đã đưa, mặc dù Peerapat Sompiangjai – một cậu bé trong nhóm nói là muốn về nhà trước 17h ngày hôm đó vì cha mẹ cậu đã chuẩn bị một bữa tiệc cho sinh nhật lần thứ 17 của cậu.
“Chúng tôi đã đi bộ một cách bình thường… nhưng sau khi đi vào hang, chúng tôi biết là mình bị chặn mất đường quay trở ra”, Ake nói. Nhóm đã bắt nhận thấy nước đang dâng lên khi họ tìm đường quay trở ra.
“Một số cậu bé đã hỏi là liệu chúng tôi có bị lạc đường không. Tôi nói rằng, chúng ta không đi nhầm hướng”, Ake nói sau khi nhận ra cả đội đã thực sự bị lạc đường.
Nhóm đã đi tiếp cho đến khi tìm được một khu vực khô ráo. “Chúng tôi đã ở gần một nguồn nước. Chúng tôi ngủ trên mô đất khô ráo đó. Trước khi chúng tôi ngủ, chúng tôi đã cùng nhau cầu Phật. Chúng tôi nghĩ vào buổi sáng, nước có thể sẽ rút xuống và mọi người sẽ tìm kiếm chúng tôi. Vào lúc đó chúng tôi không cảm thấy sợ hãi”, Ake cho biết
Trải qua thời gian trong hang tối như thế nào?
Huấn luyện viên Ake nói rằng, nhóm đã cố tìm lối ra bằng ánh sáng rất mờ trong hang. Nhưng thời gian trôi qua, các cậu bé bắt đầu cảm thấy mất sức.
Một trong số các cậu bé đã mô tả chúng đã uống nước như thế nào khi nó nhỏ giọt xuống từ các vách đá, nhưng không có một chút đồ nào để ăn. “Cháu cảm thấy mệt lả. Cháu cảm thấy không còn chút sức lực nào và rất đói. Cháu đã cố không nghĩ về đồ ăn, vì nó sẽ càng làm cháu thấy đói hơn”, Chanin Vibulrungruang nói.
Các đội cứu hộ đã nỗ lực tìm cách đưa đội bóng Lợn Hoang ra khỏi hang Tham Luang. (Ảnh: Getty).
Ake nói, cả đội đều muốn làm điều gì đó hơn là chỉ ngồi chờ được tìm thấy. “Chúng tôi đã cố tự đào đường. Chúng tôi thay phiên nhau đào, khoét vách tường trong hang. Chúng tôi không muốn ngồi chờ cho tới khi người khác tìm thấy chúng tôi”.
Huấn luyện viên Ake cũng cho biết, trái ngược với một số thông tin đã đưa, tất cả các cậu bé đều biết bơi, dù một số bơi không giỏi.
Các cậu bé nói rằng các em đã dùng đá để đào khoét các vách trong hang và đã chơi cờ đam với nhau để thời gian nhanh trôi qua.
Cảm giác khi nhìn thấy người cứu hộ
Chuyện diễn ra vào buổi tối, cậu bé Adul Sam-on 14 tuổi nói. Cậu bé mô tả khoảnh khắc 2 thợ lặn người Anh phát hiện ra đội bóng cùng huấn luyện viên là khoảnh khắc “kỳ diệu”.
“Chúng tôi đang ngồi trên một mỏm đá. Chúng tôi nghe thấy tiếng ai đó đang nói. Huấn luyện viên bảo chúng tôi im lặng và lắng nghe”, cậu bé nói.
Adul - thành viên duy nhất biết tiếng Anh - nói rằng cậu nhìn thấy ánh sáng mờ và chạy ngay về phía đó, và ngay khi các thợ lặn trồi lên khỏi mặt nước, “cháu đã nói xin chào”.
“Cháu cảm thấy rất kinh ngạc khi họ là người Anh, vì thế cháu đã nói "hello". Họ hỏi cháu thế nào, cháu nói cháu ổn. Cháu hỏi họ có cần giúp gì không. Họ nói là không và bảo cháu quay trở lên. Sau đó họ hỏi chúng cháu có bao nhiêu người”.
Cảm giác khi biết một thợ lặn đã hy sinh
Khi được hỏi về tình nguyện viên, cựu thợ lặn của biệt đội Seals, Saman Gunan, người đã thiệt mạng hôm 6/7 khi đặt các bình oxy trong hang, Ake nói rằng cả nhóm đều rất sốc và buồn vì tin này.
“Chúng tôi cảm thấy chúng tôi là lý do khiến cho thợ lặn Saman Gunan thiệt mạng và gia đình thợ lặn Saman phải chịu những mất mát to lớn. Thợ lặn Saman đã hy sinh tính mạng để cứu chúng tôi, vì thế, chúng tôi càng phải tiếp tục để sống cuộc đời của mình”. Huấn luyện viên Ake nói các cậu bé sẽ dành thời gian cầu Phật trong chùa để tưởng nhớ thợ lặn đã hy sinh.
Đội bóng Lợn Hoang tưởng niệm thợ lặn Saman Gunan đã hy sinh trong quá trình giải cứu. (Ảnh: Getty).
Các cậu bé mới chỉ nhận được thông tin về sự hy sinh của thợ lặn Saman Gunan hôm 14/7, khi chúng được xác định là đủ sức khỏe để có thể tiếp nhận thông tin này.
“Tất cả đều đã khóc và bày tỏ lời chia buồn của mình bằng cách viết thông điệp lên một bức vẽ thợ lặn Saman và dành 1 phút mặc niệm thợ lặn này”. Jedsada Chokdamrongsuk, Thư ký thường trực tại Bộ Y tế Thái Lan cho biết.
Chọn người được đưa ra đầu tiên như thế nào?
Huấn luyện viên Ake nói kế hoạch này được thảo luận chi tiết với các nhân viên cứu hộ và đội Seals. Cuối cùng nhóm đã quyết định về một chiến dịch mạo hiểm trong đó có cả việc lặn qua các đoạn hang bị ngập nước, trong khi các cậu bé được dùng thuốc an thần để giữ bình tĩnh và sau đó được đưa ra bằng cáng.
Khi được hỏi về kế hoạch ban đầu có bao gồm thứ tự ai được đưa ra khỏi hay trước hay không, Ake nói rằng không. “Chúng chọn được đưa ra ngoài một cách tự nguyện, không ưu tiên người yếu hơn hay khỏe hơn trước”.
Bác sỹ Pak Loharnshoon, người cũng có mặt trong buổi họp báo ngày 18/7, nói rằng, vì tất cả các cậu bé đều đủ sức khỏe để được đưa ra ngoài nên “bất cứ ai cũng có thể ra ngoài trước”.
Ake nói rằng cuối cùng thì mọi người quyết định là “ai giơ tay trước thì sẽ đi ra ngoài trước… một số cậu bé không muốn đi trước vì chúng muốn ở lại với đội Seals”.
Sau khi “hoàn thành trách nhiệm truyền thông” các cậu bé và huấn luyện viên của đội bóng Lợn Hoang cuối cùng cũng được trở về nhà vào đêm 18/7. Các bác sỹ tâm lý đã khuyến cáo gia đình rằng của họ, các cậu bé không nên có các cuộc tiếp xúc với truyền thông trong vòng ít nhất là 1 tháng.