Đôi cá voi lưng gù cái bơi ngược dòng để trốn chạy con đực
Hai con cá voi cái có thể tìm cách chạy trốn con đực bám đuổi và có nguy cơ va chạm với tàu thuyền trên sông Brisbane.
Các nhà khoa học phát hiện hai con cá voi lưng gù cái bơi lên thượng nguồn sông Brisbane tuần này, luồn lách giữa những tàu chở hàng ở khu cảng sầm uất trên sông. Olaf Meynecke, quản lý kiêm nhà nghiên cứu trong Chương trình cá voi và khí hậu của Đại học Griffith suy đoán chúng có thể đang tránh con đực tìm cách giao phối, Newsweek hôm 12/8 đưa tin.
Hai con cá voi lưng gù phi thân trên mặt nước. (Ảnh: iStock)
Cá voi và cá heo đôi khi bơi lên thượng nguồn sông để tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, nhiều cá thể chết trước khi có thể quay lại biển. "Có thể những con cá voi bị lạc đường ở thượng nguồn sông. Một ví dụ nổi tiếng ở California xảy ra năm 1985 khi con cá voi lưng gù tên Humphrey bơi lên thượng nguồn sông Sacramento River, nhưng sau vài tuần, nó trở lại vịnh San Francisco và ra biển", Bill Keener, nhà nghiên cứu ở Trung tâm động vật biển có vú, cho biết.
Vào các tháng mùa đông ở Nam bán cầu, cá voi lưng gù di cư về phương bắc từ vùng biển đầy băng ở Nam Cực tới vùng biển nhiệt đới ấm hơn ngoài khơi phía bắc Australia, như rạn san hô Great Barrier ở Queensland và rạn san hô Ningaloo ở Tây Australia. Những khu vực này cung cấp nước ấm an toàn để ghép đôi và nuôi con. Sau mùa sinh sản, cá voi bắt đầu hành trình trở lại Nam Cực vào khoảng tháng 9, có nghĩa hiện nay chúng sắp trở lại phương nam.
Cá voi tụ tập và ghép đôi ngoài khơi bang Queensland, nơi cửa sông Brisbane đổ ra biển, vì vậy đôi cá voi cái có thể chạy trốn tới vùng nước ngọt xa lạ để chạy trốn sự theo đuổi của một con đực, theo Meynecke. Hành vi ghép đôi của cá voi lưng gù mang tính cạnh tranh cao, con đực thường cạnh tranh hung hăng để thu hút sự chú ý của con cái. Chúng cũng hợp thành những nhóm tạm thời vây quanh cá voi cái, trong đó con đực mạnh nhất sẽ ở gần mục tiêu nhất, trong khi những con đực khác tìm cách thách thức để thay thế vị trí của nó.
Nếu cá voi cái không muốn ghép đôi với con đực, nó có thể cố gắng bơi đi xa. "Nếu con cái đã mang thai, nó có thể không muốn mang thai tiếp vào năm sau. Giữa những con đực luôn có sự cạnh tranh. Cá voi mẹ và con non tới vịnh để nghỉ ngơi và tránh tương tác gần với con đực quấy rầy", Meynecke nói.
Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại hai con cá voi cái trên sông Brisbane có nguy cơ đâm vào tàu thuyền. "Mọi người có thể không chú ý tới cá voi. Chúng phải ngoi lên mặt nước và có thể va chạm với tàu thuyền", Meynecke cho biết.

Những sự thật thú vị về cá mập khiến bạn kinh ngạc
Cá mập là một trong những sinh vật biển nguy hiểm nhất của đại dương. Chúng là những sát thủ đáng sợ đối với sinh vật biển cũng như con người. Bên cạnh sự nguy hiểm đó chúng còn có những điều rất thú vị mà bạn không ngờ tới.

Những mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Đó là quy luật cộng sinh.

Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm.

Sự thật đằng sau việc cho cá voi trắng ăn đá viên là gì?
Trong mùa hè thiêu đốt này, có lẽ bạn đang nghĩ ra nhiều cách khác nhau để giải nhiệt. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chúng ta thường thấy người ta cho cá voi beluga ăn đá viên không?

Đốm màu bí ẩn khổng lồ ở Thái Bình Dương cuối cùng cũng được hé lộ
Được biết tới kể từ năm 2010, những đốm màu khổng lồ ở Thái Bình Dương đã trở thành một bí ẩn với những ai chứng kiến.

Sự thật đau lòng đằng sau khuyến cáo ngừng ăn tôm hùm Mỹ
Nhiều doanh nghiệp tôm phẫn nộ khi cơ quan bảo tồn ở đất nước cờ hoa khuyến cáo người dân ngừng ăn tôm hùm Mỹ, do hoạt động đánh bắt loài này gây nguy hại đến cá voi trơn.
