Đối mặt với thừa cân

Khoảng một năm trước, loài chuột chù cây có chiếc đuôi ngộ nghĩnh đến từ vùng rừng nhiệt đới ở miền Tây Malaysia xuất hiện ở các mặt báo trên khắp thế giới. Lí do là những quan sát cho thấy loài này thường uống một lượng lớn chất cồn. Thứ đồ uống ưa thích của chúng là mật hoa lấy từ một loài cây họ cọ (Mật này thường chứa chất cồn do sự hoạt động của một số loại men trong tự nhiên.)

Dù uống nhiều chất cồn như vậy, nhưng loài chuột chù cây không hề có dấu hiệu bị say. Chúng cũng không mắc phải những căn bệnh như một người nghiện rượu thường phải đối mặt. Nói cách khác, dường như chúng đã tiến hóa để được miễn dịch khỏi tác động của sự quá liều.

Điều này khiến chúng ta suy nghĩ. Rất nhiều người giờ đây đang trong tình trạng dư thừa năng lượng, với vô số loại chất béo và thức ăn giàu đường vây quanh. Hiện tại, thói quen ăn uống quá mức sẽ dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe ví dụ như béo phì hay tiểu đường. Vậy, xét về nguyên tắc, liệu có một lúc nào đó con người sẽ tiến hóa tới mức dù ăn nhiều nhưng không phải gánh chịu những hậu quả vừa nêu?

Sẽ rất khó có thể tiến hành thí nghiệm trên con người để tìm ra câu trả lời. Thực tế, một thí nghiệm như vậy đòi hỏi phải tác động tới cả vấn đề ăn uống và vấn đề sinh sản ở các đối tượng tham gia; do đó, phải mất ít nhất 100 năm mới có được những kết quả đầu tiên. May mắn thay, một vài loài động vật lại rất phù hợp để trở thành đối tượng phục vụ thí nghiệm này.

Ví dụ như loài sâu tơ bắp cải (diamondback moth) chẳng hạn. Khỏi phải nói, sâu bướm là loài rất hay ăn. Nhưng điều ít được quan tâm hơn là sâu bướm có thể trở nên rất béo nếu chúng ăn quá nhiều carbohydrat. Với người, dư thừa chất béo không hề có lợi cho sức khỏe. (Côn trùng có xu hướng lựa chọn thức ăn rất cẩn thận, và khó có thể dụ cho chúng ăn uống quá mức: chúng sinh ra vốn đã không phải những kẻ háu ăn. Tuy nhiên, chúng cần một lượng protein nhất định, do vậy nếu bạn cho chúng hưởng một chế độ ăn nghèo protein nhưng giàu carbohydrat, một số con ở một số loài sẽ ăn thêm carbohydrat so với mức cần thiết để bù lại lượng protein thiếu hụt.)

Một con sâu bướm đang ăn.

Hãy tưởng tượng hai chế độ ăn: một giàu carbohydrat, nghèo protein; và một hoàn toàn ngược lại. Những con sâu bướm sẽ được hưởng một trong hai chế độ nói trên, chúng lớn lên, trưởng thành, và được cho sinh sản với những con cùng chế độ ăn. Con cái của chúng sau đó lại được ăn giống hệt bố mẹ. Quá trình cứ thế tiếp diễn.

Sau khoảng 8 thế hệ sâu ra đời, các cá thể thuộc nhóm ăn nhiều carbohydrat có xu hướng dự trữ ít chất béo hơn. Ngược lại, những cá thể thuộc nhóm chế độ ăn nghèo carborhydrat sẽ tích trữ gốc carbo này dưới dạng chất béo.

Đối mặt với thừa cân
Đối mặt với thừa cân (Ảnh : johnbledsoe.com)

Kết quả nghiên cứu tương tự cũng được thấy ở chuột. Chỉ qua một vài thế hệ, chuột đã tiến hóa tới chỗ có thể ăn nhiều chất béo mà vẫn không bị béo phì.

Kết quả này gợi chúng ta nghĩ về một yếu tố khác có lẽ đang tham gia vào nạn béo phì hiện tại.

Lí lẽ mà chúng ta thường nghe là xu hướng tăng khẩu phần chất béo bắt nguồn từ nạn đói trong quá khứ. Giả thuyết “gen tiết kiệm” được diễn giải như sau:

Thực tế: trong xã hội nông nghiệp, nạn đói do mất mùa hoặc chiến tranh là một vấn đề lặp đi lặp lại. Thực tế đã có 350 nạn đói do mất mùa trong vòng 2.000 năm trở lại đây (tính riêng ở Anh con số này là 190).

Thực tế: nạn đói đôi khi giết chết rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Giả thiết: những người trong điều kiện bình thường vẫn nạp nhiều chất béo có khả năng chống chọi tốt hơn với nạn đói, va do đó đóng góp “gen tiết kiệm” này cho thế hệ sau.

Kết luận: trong xã hội hiện đại, khi thực phẩm giàu năng lượng luôn có sẵn, khả năng dự trữ thức ăn dư thừa của “gen tiết kiệm” hóa ra lại gây hại cho con người.

Lý thuyết về gen tiết kiệm vẫn đang gây nhiều tranh cãi, và chưa có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh cho nội dung của nó. Ví dụ, người ta không biết được, liệu người béo có chống chọi tốt hơn người gầy trong nạn đói hay không (mặc dù có vẻ câu trả lời là có). Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân người viết bài này, lập luận của lý thuyết có vẻ rất hợp lí.

Nhưng thí nghiệm trên sâu bướm cho thấy xu hướng béo phì cũng có thể xuất hiện ngay cả khi trước đó chưa từng xảy ra nạn đói. Những con sâu được hưởng chế độ ăn giàu năng lượng nhanh chóng tiến hóa và trở nên miễn dịch với năng lượng thừa; nguợc lại, những con có xu hướng dự trữ chất béo là những con chưa từng có sự dư thừa chất béo trong lịch sử gia đình.
Điều này gợi ý rằng xu hướng béo phì không nhất thiết xuất hiện ở những người mà tổ tiên xưa kia thường xuyên phải chịu đói; điều đó chỉ đơn giản là tổ tiên họ trước kia không được ăn nhiều bánh rán hay bánh ngọt mà thôi. Như vậy, tổ tiên của những người béo nhất trong số chúng ta có thể chưa từng trải qua nạn đói, nhưng họ là những người ít dư thừa năng lượng nhất.

Đáng lưu ý nữa, dư thừa là một đặc tính của xã hội nông nghiệp. Đúng, nạn đói đã diễn ra. Nhưng khoảng thời gian giữa các nạn đói thường có thời kì dư thừa, và những thành viên giàu có nhất trong xã hội thường là thành phần được hưởng nhiều vật chất nhất. Ví dụ, trong bữa tiệc chiêu đãi lễ nhậm chức của giáo hoàng Clement VI ở Avignon năm 1342, thực đơn bao gồm 60 con lợn, 1001 con bê, 118 con bò, 300 cá chó, 914 con dê, 1023 con cừu, 1.466 con ngỗng, 10.471 con gà, 46.856 bánh pho mát và 50.000 bánh tạc. Toàn bộ số này phục vụ cho khoảng 3.000 vị khách. Trong khi đó, theo ghi chép về thời gian trị vì của nữ hoàng Elizabeth I, trong vòng một năm, đoàn tùy tùng của bà (khoảng 600 người) tại cung điện Hampton ăn hết 53 con lợn rừng, 760 con bê, 1.240 con bò, 1.870 con lợn, 2.330 con nai, và 8.200 con cừu. Họ cũng uống hết 2.280.000 lít rượu bia mỗi năm.

Có rất nhiều yếu tố - ví dụ như hiện tại bạn ăn gì, khi còn nhỏ bạn đã ăn gì, mức độ luyện tập thể dục, lượng vi trùng, vi khuẩn trong ruột bạn, …v.v… - góp phần vào sự hình thành và phát triển của béo phì. Nhưng chúng ta biết rằng con người sống ở vùng miền khác nhau, từ xa xưa, đã ăn những thức khác nhau, và rằng khẩu vị cũng như phong tục của tổ tiên để lại dấu ấn nhất định trong hệ gen của chúng ta. Những người từ lâu đã có mối liên hệ với bò, ví dụ như người bắc Âu hay Đông Phi, đã tiến hóa đến chỗ tiêu hóa sữa tốt hơn các nhóm người khác. Những người tổ tiên từng ăn nhiều gạo, bột mì, thân củ giờ đây có khả năng tiêu hóa tinh bột tốt hơn. Do vậy, sẽ không quá ngạc nhiên nếu các nhóm người khác nhau có các gen liên quan tới béo phì khác nhau, đây là kết quả từ lịch sử nạn đói và dư thừa thức ăn trong quá khứ.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Tìm hiểu về lễ hội Halloween

Tìm hiểu về lễ hội Halloween

Ngày lễ Halloweem xuất phát từ một nghi lễ ở các nước phương Tây, vào ngày 31/10 hàng năm, ngay đêm trước lễ các thánh Nam Nữ.

Đăng ngày: 29/10/2019
Lễ hội ma Halloween và những điều bạn chưa biết

Lễ hội ma Halloween và những điều bạn chưa biết

Halloween là lễ hội thường niên diễn ra vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng đó là lễ hội để tưởng niệm cái gì? Tại sao người ta phải hoá trang và ăn mặc gớm ghiếc đến thế?

Đăng ngày: 29/10/2019
Sự thật thú vị về thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp

Sự thật thú vị về thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp

Thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp là một vị thần quyền lực, có hàng chục người con với 12 vị thần...

Đăng ngày: 18/09/2019
Tại sao nước biển lại mặn?

Tại sao nước biển lại mặn?

Tất cả nước trên hành tinh của chúng ta, kể cả nước mưa, đều chứa những hợp chất hóa học mà các nhà khoa học gọi là "muối"

Đăng ngày: 24/02/2019
Vì sao cúng ông Công ông Táo lại chỉ thả cá chép?

Vì sao cúng ông Công ông Táo lại chỉ thả cá chép?

Trong các lễ vật cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, không thể thiếu cá chép. Vậy tại sao lại chỉ thả cá chép mà không phải con vật nào khác?

Đăng ngày: 28/01/2019
Cúng ông Công ông Táo trong bếp hay trên bàn thờ?

Cúng ông Công ông Táo trong bếp hay trên bàn thờ?

Khi cúng ông Táo, nếu gia đình không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp.

Đăng ngày: 28/01/2019
Tục cúng kẹo cho ông Công ông Táo ở Trung Quốc

Tục cúng kẹo cho ông Công ông Táo ở Trung Quốc

"23 cúng kẹo, 24 dọn nhà, 25 nghiền đậu...", là bài vè vang lên vào mỗi dịp cuối năm ở Trung Quốc, với ý nghĩa "tiểu niên" (năm mới nhỏ) sắp đến, theo Xinhua.

Đăng ngày: 28/01/2019
Tiêu điểm
Khoa Học News