Động cơ khiến cá heo cứu người khỏi hàm cá mập
Trong hầu hết trường hợp, cá voi và cá heo có lẽ không chủ động cứu người mà chỉ đang bảo vệ bản thân hoặc con non khỏi cá mập.
Trong chương trình "Saved from a Shark" (Được cứu khỏi cá mập) của kênh National Geographic, Martin Richardson kể lại cuộc chạm trán của mình với cá mập mako (Isurus oxyrinchus) khi đi bơi tại Biển Đỏ, Ai Cập, Live Science hôm 1/7 đưa tin. Anh đã bị cắn khoảng 5 lần và đang chờ chết thì một chuyện khác thường xảy ra.
Martin Richardson bị cá mập cắn nhiều lần nhưng vẫn sống sót. (Ảnh: Getty).
"Không có lý do gì để con cá mập dừng lại. Tôi đã mất hơn 2 lít máu và bạn chỉ có khoảng 4,5 - 5 lít máu trong cơ thể. Tôi biết nó đang bơi vòng quanh mình. Tôi quay đi và nhìn những ngọn núi, từ bỏ mọi thứ", Richardson nói.
Tuy nhiên, một đàn cá heo bất ngờ xuất hiện ngay phía sau Richardson và cuộc tấn công của cá mập dừng lại. Anh được kéo lên một chiếc thuyền và nhanh chóng đến bệnh viện, phải khâu hơn 300 mũi. "Tôi tin chắc rằng những con cá heo đã cứu mạng mình", anh nói.
"Được một con vật khác cứu chắc chắn là một ý nghĩ rất lãng mạn", Tom Hird, nhà sinh vật biển kiêm nhà bảo tồn cá mập, nhận xét. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, điều này không thực sự rõ ràng.
Theo Mike Heithaus, giáo sư khoa học sinh vật tại Đại học Quốc tế Florida, không có khả năng cá heo chủ động cứu sống Richardson. "Đàn cá heo nhìn thấy một đám máu lớn, chúng biết đang có cá mập ở đây. Nếu có con non, chúng sẽ muốn đuổi cá mập tránh xa con non. Có thể chúng không cố gắng cứu Martin", ông nhận định.
Một trường hợp khác được đề cập trong chương trình là Nan Hauser, giám đốc tổ chức Nghiên cứu Cá voi Quần đảo Cook. Năm 2017, con cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) mà Hauser đang lặn cùng đã cứu cô khỏi một con cá mập hổ (Galeocerdo cuvier) đang rình rập. Trong cuộc chạm trán, cá voi tới gần Hauser, đẩy và dùng mõm nâng cô lên.
"Cá voi nhìn tôi và tôi biết nó có điều gì đó cần nói. Tôi không hiểu, nhưng nó muốn tôi hiểu. Tôi nhìn xuống vùng biển xanh thẳm và thấy cá mập hổ ngay bên dưới", Hauser kể lại.
Thước phim ghi lại sự việc cho thấy cá voi hành động giống như những gì nó sẽ làm để bảo vệ con non, theo Heithaus. Ông cho biết, trong hầu hết trường hợp, cá voi và cá heo có lẽ không bảo vệ con người vì lý do tình thương, nhiều khả năng chúng chỉ đang cố gắng bảo vệ bản thân hoặc con non.

Những bãi biển nguy hiểm nhất thế giới
Phần lớn du khách đều muốn đi biển vào mùa hè, nhưng nhiều bãi biển tiềm ẩn những nguy hiểm chết người.

Những sự thật thú vị về cá mập khiến bạn kinh ngạc
Cá mập là một trong những sinh vật biển nguy hiểm nhất của đại dương. Chúng là những sát thủ đáng sợ đối với sinh vật biển cũng như con người. Bên cạnh sự nguy hiểm đó chúng còn có những điều rất thú vị mà bạn không ngờ tới.

Những mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Đó là quy luật cộng sinh.

Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm.

Sự thật đau lòng đằng sau khuyến cáo ngừng ăn tôm hùm Mỹ
Nhiều doanh nghiệp tôm phẫn nộ khi cơ quan bảo tồn ở đất nước cờ hoa khuyến cáo người dân ngừng ăn tôm hùm Mỹ, do hoạt động đánh bắt loài này gây nguy hại đến cá voi trơn.

Dòng đối lưu Đại Tây Dương sắp sụp đổ, "quả bom thời tiết" sẽ nổ khắp thế giới?
Biến đổi khí hậu đang làm chậm các dòng đối lưu mang nước ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc Đại Tây Dương và sẽ khiến hệ thống này sụp đổ hoàn toàn.
