Du hành vũ trụ làm biến dạng não và tuyến yên
Nghiên cứu mới cho thấy các chuyến bay ngoài không gian có tác động lên cơ thể phi hành gia lớn hơn nhiều những gì giới khoa học từng nghĩ.
Du hành vũ trụ từ lâu đã được biết đến là gây ra các vấn đề về thị lực như sưng dây thần kinh thị giác, xuất huyết võng mạc và làm thay đổi một số cấu trúc khác của mắt. Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu gần đây, do các chuyên gia từ Trung tâm khoa học sức khỏe của Đại học Texas, Mỹ (UTHealth) thực hiện, tiết lộ môi trường vi trọng lực có thể thay đổi thể tích não và làm biến dạng tuyến yên của phi hành gia.
Ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ của phi hành gia trước (a) và sau (b) chuyến bay vào không gian. (Ảnh: SciTech Daily).
"Trong môi trường vi trọng lực, chất lỏng như máu ở tĩnh mạch không còn chảy về phía các chi dưới nữa mà phân phối lại về phía đầu. Sự chuyển động này có thể là một trong các cơ chế gây ra những thay đổi mà chúng ta quan sát thấy trong mắt và khoang nội sọ", Bác sĩ y khoa Larry A. Kramer từ UTHealth, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Kramer cùng các cộng sự đã tiến hành chụp cắt lớp não của 11 phi hành gia, bao gồm 10 nam, một nữ, trước khi họ bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và chụp lại sau khi các phi hành gia trở về Trái Đất, thêm một vài lần khác trong một năm sau đó.
Kết quả cho thấy phơi nhiễm vi trọng lực trong thời gian dài đã làm tăng thể tích não và dịch tủy não - chất lỏng chảy bên trong và xung quanh khoảng trống của não và tủy sống. Những thay đổi này vẫn tiếp tục sau một năm, cho thấy đây là tác động lâu dài. Sự mở rộng của chất trắng - vùng nằm trong hệ thần kinh trung ương, chủ yếu được tạo nên bởi các sợi trục có bao myelin - là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng thể thích của não và dịch tủy não, theo Kramer.
Chụp cắt lớp cũng cho thấy hầu hết các phi hành gia trở về từ ISS đều có biểu hiện biến dạng tuyến yên - một cấu trúc có kích thước bằng hạt đậu ở đáy sọ, còn được gọi là tuyến chủ bởi nó chi phối chức năng của nhiều tuyến khác trong cơ thể.
MRI cho thấy sự biến dạng ở tuyến yên của phi hành gia trước (preflight) và sau (postflight) chuyến bay vào không gian. (Ảnh: SciTech Daily).
"Chúng tôi phát hiện ra rằng tuyến yên của các phi hành gia ngắn và nhỏ đi sau các chuyến bay ngoài không gian. Bên cạnh đó, phần vòm của tuyến yên - chủ yếu có dạng lồi khi chưa tiếp xúc với môi trường vi trọng lực - có dấu hiệu bị làm phẳng hoặc thậm chí là lõm vào trong. Kiểu biến dạng này cho thấy áp lực nội sọ tăng cao trong các chuyến bay", Kramer cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu còn quan sát thấy sự gia tăng thể tích trung bình ở não thất bên - không gian trong não có chứa dịch tủy não - tương tự như hiện tượng giãn não thất áp lực bình thường có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như khó đi lại, suy giảm trí nhớ và rối loạn khả năng kiểm soát bàng quang. Tuy nhiên, các triệu chứng này không được ghi nhận ở các phi hành gia trở về từ không gian.
Nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện mới không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ các phi hành gia trước tác động của vi trọng lực, mà còn có thể ứng dụng cho những người bình thường. "Nếu chúng ta hiểu rõ về các cơ chế khiến tâm thất mở rộng ở phi hành gia, điều đó có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân mắc chứng giãn não thất áp lực bình thường hoặc các tình trạng liên quan khác", Kramer nhấn mạnh.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Sẽ ra sao nếu bạn rơi vào hố đen vũ trụ?
Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi rơi vào một hố đen. Một mô phỏng mới đây đã hé lộ trải nghiệm kinh hoàng này.

Thiên Vương Tinh - Hành tinh kỳ lạ nhất Hệ Mặt Trời
Cho tới khi chưa tìm ra được Hành tinh thứ 9 (chỉ mới là giả thuyết), Thiên Vương Tinh (Uranus) vẫn là hành tinh "khác người" nhất so với 7 hành tinh còn lại của hệ Mặt Trời chúng ta.

Những sự thật "khó tin nổi" về sao Thiên vương
Sao Thiên vương có thể chứa được 63 Trái đất bên trong nó, mùa hè ở đây kéo dài tới 42 năm, sao Thiên vương chỉ có 2 mùa.... đây là những sự thật khó tin, ít người biết về sao Thiên Vương.

Tổng quan về sao Thiên Vương
Sao Thiên Vương là hành tinh thứ bảy tính từ Mặt Trời; là hành tinh có bán kính lớn thứ ba và có khối lượng lớn thứ tư trong hệ.

Hàng tỉ nền văn minh ngoài hành tinh đã và đang tồn tại
Các nhà khoa học tính toán và gần như chắc chắn nhiều nền văn minh ngoài Trái đất đã và đang tồn tại trong vũ trụ này.
