Du khách đổ xô đến xem sông băng "tuyệt chủng"
Số lượng sông băng trên Trái đất ngày càng sụt giảm, song điều này lại làm gia tăng khao khát của du khách để ngắm nhìn những dòng sông băng đang dần biến mất.
Sự biến đổi mê hoặc của những mảng sắc màu tự nhiên tại sông băng Perito Moreno (nằm trong Vườn quốc gia Los Glaciares, tỉnh Santa Cruz, Patagonia, Argentina). (Ảnh: @ilmondolowcost).
Đến năm 2100, một nửa số sông băng trên thế giới có thể sẽ biến mất do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên của Trái đất. Đây cũng lý do khiến các chuyến du lịch ngắm "lần cuối cùng của sông băng" trở nên thịnh hành, theo CNN.
Jackie Dawson, phó giáo sư tại Đại học Ottawa (Canada), cho biết xu hướng trên được gọi là "du lịch với cơ hội cuối cùng" và đây là một thị trường đang phát triển.
Trước đây, du khách ưa chuộng trở thành người đầu tiên, chẳng hạn như người đầu tiên leo lên một ngọn núi hay lần đầu tiên đi du thuyền… Giờ đây, du lịch ngắm nhìn những thứ cuối cùng mới là điều gây ấn tượng.
Du khách tham quan Perito Moreno - sông băng lâu đời và lớn nhất Nam Mỹ. (Ảnh: Thien Ngoc Nguyen).
Tuy nhiên, trải nghiệm ngắm nhìn sông băng tan chảy tiềm ẩn những mối nguy hiểm chết người.
Năm 2019, 3 thi thể du khách (hai người Đức và một người Áo) được tìm thấy gần xuồng tại sông băng Valdez ở Alaska khiến dư luận nói chung và giới du lịch nói riêng hoảng sợ.
Zach Sheldon, hướng dẫn viên du lịch và cũng là người phát hiện sự việc, cho rằng 3 du khách có thể bị thu hút bởi màu xanh kỳ ảo của sông băng mà không nhận ra màu sắc nổi bật đó là dấu hiệu cảnh báo băng sắp vỡ.
Tháng 8, một du khách người Mỹ đã tử vong khi một hang băng bất ngờ sụp đổ tại sông băng Breiðamerkurjökull ở Iceland. Sự việc làm "rung chuyển" đất nước phụ thuộc nhiều vào du lịch này. Các công ty dừng các tour du lịch hang băng mùa hè và chính quyền đang xem xét các quy định an toàn mới.
Chưa hết, vào tháng 7/2022, khoảng 64.000 tấn nước, đá và băng vỡ ra từ sông băng Marmolada ở miền Bắc Italy. Trận tuyết lở sau đó đã giết chết 11 người đang đi bộ trên một con đường mòn nổi tiếng.
Cặp du khách người Anh chia sẻ hình ảnh cho thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc về sông băng Rhône tại Thụy Sĩ. Bức ảnh đầu tiên được chụp vào tháng 8/2009, bức ảnh thứ hai được chụp đầu tháng 8 năm nay. (Ảnh: Duncan Porter).
Đại diện cho Hiệp hội Hướng dẫn viên leo núi Iceland, hướng dẫn viên leo núi Garðar Hrafn Sigurjonsson cho biết các sông băng ngày càng trở nên không ổn định, tảng băng nứt toác, nhiều đá và trầm tích rơi ra.
"Đó là một nơi phức tạp để tham quan", ông nói với CNN.
Theo Sigurjonsson, phần lớn hướng dẫn viên du lịch đều ưu tiên sự an toàn, nhưng đôi khi có những tình huống bất ngờ khiến tất cả phải đối mặt với nguy hiểm.
Đối với những người đi trên sông băng, việc thích nghi với cảnh quan thay đổi chóng mặt là một cuộc chiến. Matthias Huss, một nhà nghiên cứu về băng hà tại Đại học ETH Zürich (Thụy Sĩ), cho biết vài thập kỷ trước, hoạt động trượt tuyết mùa hè trên sông băng rất phổ biến. Nhưng ngày nay, hầu như tất cả các điểm trượt tuyết trên sông băng đều đóng cửa vào mùa hè.
Nhưng mặc kệ cảnh quan đang dần thu hẹp do băng tan hay những cảnh báo nguy hiểm chết người, lượng khách du lịch tại các sông băng lại đang tăng nhanh chóng. Nhu cầu cho các tour du lịch tham quan "lần cuối cùng của sông băng" tăng khoảng 20% đến 30% mỗi năm.
Stefan Gössling, giáo sư nghiên cứu du lịch tại Đại học Linnaeus ở Thụy Điển, cho biết mối nguy hiểm tiềm ẩn vẫn chưa thể khiến mọi người tìm kiếm những điểm đến khác.
"Rủi ro chắc chắn đã tăng lên, nhưng mọi người dường như không chú ý đến điều đó", Gössling nói.
Sắc xanh huyền ảo của sông băng khiến nhiều du khách mê hoặc, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy băng đang tan. (Ảnh: @ilmondolowcost).
Không chỉ sông băng gây nên các vấn đề mất an toàn cho du khách, ở chiều ngược lại, chính khách du lịch cũng là mối nguy hiểm lớn đối với chính các sông băng.
Theo đó, máy bay - phương tiện được nhiều người sử dụng để đến những điểm đến băng giá - là nguồn ô nhiễm khổng lồ khiến Trái đất nóng dần lên. Theo một nghiên cứu, mỗi tấn ô nhiễm carbon làm tan chảy khoảng 30 feet vuông băng Bắc Cực. Ví dụ, một chuyến bay khứ hồi giữa New York và Anchorage ở Alaska sẽ dẫn đến tan mất khoảng 70 feet vuông băng Bắc Cực.
Thực tế cho thấy các tour du lịch ngắm sông băng không thể là thị trường bền vững bởi khi sông băng dịch chuyển, tour này cũng phải thay đổi theo.
"Tôi cho rằng chúng ta chỉ còn 6-10 năm nữa với các tour du lịch băng trôi bởi các sông băng đang tan chảy theo nhiều cách khác", Sheldon chia sẻ.