Đưa chuột biến đổi gien vào không gian, một tháng sau nhận kết quả bất ngờ
Mới đây, các nhà khoa học cho biết, những "siêu chuột” được biến đổi gien đã duy trì được lượng cơ bắp trong suốt một tháng ở Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Những con chuột được biến đổi gien vẫn duy trì khối lượng cơ khi vào không gian.
Trong khi đó, những con chuột không được biến đổi đã trở về Trái đất với khối lượng cơ sụt giảm đáng kể.
Phát hiện này hứa hẹn ngăn ngừa tình trạng mất cơ và xương ở các phi hành gia trong các chuyến du hành vũ trụ kéo dài, như sứ mệnh sao Hỏa. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tạo tiền đề ngăn chặn tình trạng teo cơ, teo xương ở những bệnh nhân liệt hoặc phải sử dụng xe lăn.
Tháng 12/2019, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Lee Se-Jin thuộc Phòng thí nghiệm Jackson ở Connecticut (Mỹ) dẫn đầu đã gửi 40 con chuột đen lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, bao gồm chuột được biến đổi gien và chuột thường.
Các nhà khoa học đã biến đổi gien để giảm lượng myostatin trong những con chuột này. Do đó, chúng có bộ cơ to gấp hai những con chuột bình thường. 40 con chuột bị ức chế myostatin khác cũng được nuôi ở Trái đất để giúp so sánh kết quả với các con chuột được đưa lên vũ trụ.
Trong một bài báo đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, nhà nghiên cứu Lee cho biết, 24 con chuột không được biến đổi gien đã mất khối lượng cơ và xương đáng kể trong tình trạng không trọng lượng, khoảng 18%.
Tuy nhiên, 8 con chuột được biến đổi để sở hữu lượng cơ bắp gấp đôi đã không có sự thay đổi đáng kể. Khối lượng cơ của chúng gần như tương đương với những “siêu chuột” tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA.
Ngoài ra, 8 con chuột bình thường được biến đổi gien khi ở không gian đã trở về Trái đất với lượng cơ lớn hơn đáng kể. Phương pháp điều trị này được thực hiện bằng cách ngăn chặn một cặp protein thường hạn chế khối lượng cơ.
Tàu vũ trụ Dragon của SpaceX hạ cánh xuống Thái Bình Dương hôm 7/1, mang theo hơn 1.700 kg hàng hóa, trong đó có 40 con chuột. Theo nhà nghiên cứu Lee, một số con chuột bình thường đã được tiêm loại thuốc biến đổi gien sau khi trở về. Kết quả cho thấy, chúng nhanh chóng phát triển khối lượng cơ nhiều hơn so với những con không được điều trị.
Tiến sĩ Emily Germain-Lee thuộc Trung tâm Y tế Trẻ em Connecticut, người cũng tham gia vào nghiên cứu, chia sẻ: “Điều đáng chú ý duy nhất của Covid-19 là giúp chúng tôi có thời gian viết lại nghiên cứu một cách vô cùng kỹ lưỡng và gửi kết quả để công bố”.
Kết quả nghiên cứu được cho là một dấu hiệu tích cực và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định, sẽ cần thực hiện nhiều công đoạn hơn nữa trước khi thử nghiệm thuốc trên người, nhằm xây dựng cơ và xương mà không mang lại tác dụng phụ nghiêm trọng.
“Sẽ mất nhiều năm nữa để hoàn thiện. Tuy nhiên, đó là cách mọi thứ diễn ra khi bạn đi từ nghiên cứu trên chuột đến người”, bà Germain-Lee nói.
Nhà nghiên cứu Lee cho biết, thí nghiệm đã mang lại những dấu hiệu “đáng để điều tra”. Vì vậy, ông Lee dự định sẽ tiếp tục gửi thêm “các siêu chuột” lên trạm vũ trụ và thậm chí để chúng ở lại đó.
Christina Koch, Jessica Meir và Andrew Morgan là 3 phi hành gia NASA đã chăm sóc và tiêm thuốc cho những con chuột này khi chúng được đưa vào không gian.
Ngày 15/8/1950, con chuột đầu tiên được đưa lên vũ trụ trên một tên lửa đạt độ cao 137 km. Trong lúc quay về, hệ thống dù gặp sự cố và tên lửa vỡ tan khiến con chuột mất mạng. Trong thập niên 1950, nhiều con chuột khác cũng được đưa lên vũ trụ để tiến hành thí nghiệm nhưng đều không sống sót.