Dubai dự định sẽ kiểm tra ADN của hơn 3 triệu dân, và lý do khiến cả thế giới phải giật mình thán phục
Một dự án mang tầm vóc vĩ đại của Dubai, trong đó yêu cầu phải kiểm tra ADN của hơn 3 triệu người dân sinh sống tại đây.
Gần đây, Dubai có kế hoạch thi hành một dự án vĩ đại, trong đó yêu cầu phải kiểm tra ADN của toàn bộ cư dân bao gồm 3 triệu người.
Chỉ mới đầu tháng 3, thành phố Dubai trực thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa công bố một số chi tiết mới trong kế hoạch Dubai 10X. Mục tiêu này chủ yếu dựa trên việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất làm chuẩn mực y học mới ở Dubai trong 10 năm tới.
Chuyện cũng không phải gì quá phức tạp đâu. Chẳng qua Liên Hiệp Sức Khỏe Dubai (Dubai Health Association) có dự định thiết lập một cơ sở dữ liệu về gene cho tất cả những người đang sinh sống ở Dubai, bao gồm cả những người không mang quốc tịch UAE.
Liên Hiệp cũng lên kế hoạch sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích các dữ liệu gene này và dự đoán bệnh tật trước khi người bệnh mắc phải. Hay nói cách khác, mục đích của toàn bộ dự án là để cải thiện sức khỏe của 3 triệu dân.
Phải chăng chỉ trong vài năm nữa, trí thông minh nhân tạo sẽ dự đoán được con người sẽ mắc bệnh gì ngay khi vừa sinh ra đời?
Nhìn chung, thành phố này mong muốn "đảo ngược" tiến trình nghiên cứu gene. Dựa trên mô tả của website dự án, thì "thay vì nghiên cứu gene của bệnh nhân, hệ thống trí thông minh nhân tạo sẽ xem xét cơ sở dữ liệu để tìm hiểu những người nào đã bị nhiễm bệnh. Sau đó, so sánh với các bộ gene trùng khớp của những người chưa mắc bệnh, và đưa ra dự đoán về rủi ro."
Trong giai đoạn cuối cùng của dự án này, thành phố cũng mong muốn hợp tác với các công ty dược để thiết kế phương pháp đặc trị cho các bệnh mang tính di truyền. Nhìn chung, tất cả mục tiêu của dự án này đều rất vĩ đại.
Một số trong các mục tiêu đó bao gồm tham vọng diệt trừ hoàn toàn các bệnh mang tính di truyền, phòng bệnh và động viên những người có nguy cơ nhiễm bệnh thay đổi lối sống. Đồng thời, việc này cũng là mở màn cho việc cá nhân hóa phương pháp trị bệnh và biến Dubai thành nơi dẫn đầu thế giới trong y học di truyền.
Ngân hàng sinh học lớn nhất thế giới tại Anh hiện nay. Liệu ngân hàng sinh học ở Dubai sau này có lớn hơn cả Biobank của Anh không nhỉ?
Mặc dù dự tính là như vậy, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc Dubai sẽ nghiên cứu đầy đủ bộ gene của tất cả các cư dân, hay chỉ làm đầy đủ một phần nhỏ của dân số và nghiên cứu tương đối bộ gene những người còn lại.
Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, việc kiểm tra ADN của 3 triệu người cũng là một giấc mơ to lớn. Ngay cả ở Anh, nước có chương trình ngân hàng sinh học lớn nhất thế giới, cũng chỉ làm đầy đủ bộ gene của khoảng nửa triệu dân thôi. Tuy nhiên cũng phải nói là với nền kinh tế phát triển vượt bậc hiện tại ở Dubai, việc này cũng không phải là quá xa rời thực tế.
Với nền kinh tế phát triển tột bậc hiện nay, có lẽ tham vọng đứng đầu trong công nghệ y học di truyền của Dubai cũng không quá xa vời.
Humaid Mohammed Al Qatami, người đứng đầu Liên Hiệp Sức Khỏe Dubai đã thông báo rằng giai đoạn 1 của dự án - bao gồm việc thu thập các mẫu DNA và lập phòng thí nghiệm - sẽ diễn ra trong vòng 2 năm tới. Vẫn chưa rõ là người ta sẽ bảo mật thông tin của người dùng kiểu gì, hay là có yêu cầu đặc biệt gì để tham gia dự án này hay không.
Các chuyên gia về sức khỏe thông báo rằng hiện nay tại Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), có khoảng 220 chứng bệnh có liên hệ mật thiết với di truyền. Các bệnh này cũng gây ra 70% tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 6 tuổi.
Hồng cầu dị thường (bên phải) của các bệnh nhân bị bệnh di truyền tan máu bẩm sinh thalassaemia, so với hồng cầu của người bình thường (bên trái). Bệnh này gây tan máu liên tục dẫn đến thiếu máu mãn tính.
Đặc biệt nữa là, hơn một nửa dân số của UAE bị mắc một chứng bệnh di truyền tan máu tên là thalassaemia cực kỳ phổ biến ở các nước Trung Đông.
Cũng một phần vì việc này, hiện nay, UAE, cũng như Saudi Arabia và Qatar, đều bắt buộc các cặp đôi phải kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để tránh việc để lại các bệnh di truyền cho con cái.
Một báo cáo vào năm 2015 cũng cho thấy, những chương trình này thực ra không hiệu quả mấy trong việc ngăn cản các cuộc hôn nhân có tính rủi ro cao về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, việc này cũng có chút lợi ích, không ít thì nhiều trong việc giảm tỉ lệ thai bị mắc bệnh di truyền.
Tại những nước như UAE, trước khi kết hôn, các cặp đôi đều phải kiểm tra sức khỏe để tránh việc lây bệnh di truyền cho con cái.
Nhìn chung, rất hy vọng rằng dự án này sẽ thành công trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe trong khu vực, và giúp chúng ta tìm hiểu các ảnh hưởng của môi trường lên quá trình di truyền trong tương lai.