Ghét chạy bộ? Đừng lo, khung xương trợ lực này sẽ giúp bạn
Cấu trúc cơ thể người phù hợp với việc chạy bộ, tuy nhiên thực tế không phải ai cũng thích loại hình thể thao này, thậm chí rất nhiều người còn xem đó là cực hình.
Dù cho bạn có một vóc dáng cân đối nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng và thoải mái khi chạy. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ đã phát triển một phụ kiện mới có thể thay đổi cảm nhận của bạn về chạy bộ bằng cách khiến nó trở nên dễ dàng hơn một chút.
Hệ thống này giúp các cơ chân "cởi bỏ" đáng kể gánh nặng.
Khung xương trợ lực (exoskeleton) đang được nhóm nghiên cứu phát triển để giúp việc chạy dễ tiếp cận hơn đối với người bình thường, bao gồm một khung bằng sợi carbon nhẹ, dây đai và cáp gắn với động cơ bên ngoài. Hệ thống này giúp các cơ chân "cởi bỏ" đáng kể gánh nặng, giúp chạy dễ dàng hơn khoảng 15% so với thông thường.
Đó là một cải tiến ấn tượng từ một thiết bị tương đối đơn giản, nhưng bạn sẽ còn bất ngờ hơn nữa khi biết rằng exoskeleton còn phải loại bỏ bớt tải trọng được thêm vào khi chạy với một thiết bị cố định ở chân.
Nếu mang exoskeleton đã bị ngắt điện và chạy, nó sẽ khiến cơ thể tăng năng lượng hao phí, tăng 13% độ khó so với khi không có exoskeleton. Tuy nhiên, các thí nghiệm đã chỉ ra rằng, nếu được cung cấp năng lượng hợp lý từ động cơ, exoskeleton sẽ làm giảm sự hao phí năng lượng khi chạy, khiến vận động dễ dàng hơn 15% so với chạy mà không có exoskeleton và dễ hơn 25% so với chạy mà exoskeleton đã bị ngắt điện.
"Khi con người chạy, chân chuyển động rất giống với một động cơ, vì vậy chúng tôi rất ngạc nhiên khi sự trợ giúp giống như động cơ lại chưa mấy hiệu quả", theo Steve Collins, tác giả của nghiên cứu. "Tất cả chúng ta đều có cảm quan về cách chúng ta chạy hoặc đi bộ, tuy nhiên các nhà khoa học hàng đầu vẫn phải tiếp tục khám phá cách thức để cơ thể người cho phép chúng ta di chuyển hiệu quả hơn. Đó là lý do tại sao những thí nghiệm như thế này rất quan trọng".
Nhóm nghiên cứu hiện vẫn chưa thể hoàn thành hệ thống và hy vọng sẽ giảm hơn nữa tác động từ chính exoskeleton, thúc đẩy hơn nữa hiệu năng của thiết bị và tăng cường chuyển động chạy. Dĩ nhiên, trở ngại lớn nhất là làm sao để hệ thống có thể đeo vào tự do thay vì gắn chặt vào một bộ máy bên ngoài như hiện nay.