Giải mã hành động vẫy đuôi của loài sói

Những người nuôi chó đã quen với việc về nhà với những chú chó đáng yêu vẫy đuôi vui mừng.

Nhưng hành động này xuất phát từ quá trình thuần hóa hay những con sói, tổ tiên hoang dã đồng thời là họ hàng ngày nay của loài chó cũng có tập tính này?

Câu trả lời ngắn gọn là có, loài sói cũng có tập tính vẫy đuôi. Sarah Marshall-Pescini, nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm thuần hóa thuộc Viện Tập tính Konrad Lorenz của Đại học Thú y (Vienna, Áo) cho biết: Phần lớn thời gian, bạn đều thấy chúng vẫy đuôi với mục đích thực hiện hành vi chào hỏi.

Hành vi đó được thể hiện một cách hiệu quả bởi các cá nhân cấp dưới đối với các cá nhân thống trị, và đặc biệt là trong các cuộc đoàn tụ.


Vẫy đuôi và các hành vi chào hỏi khác xuất hiện khi chúng đoàn tụ với bầy.

Loài sói không phải lúc nào cũng ở trong bầy của chúng và có thể tách ra thành các đơn vị săn mồi nhỏ hơn hoặc thậm chí đi lang thang một mình. Vẫy đuôi và các hành vi chào hỏi khác xuất hiện khi chúng đoàn tụ với bầy, vì vậy nó tương tự như những gì loài chó làm với con người và những đồng loại khác.

Bầy sói thường bao gồm một cặp sinh sản đực và cái dẫn đầu con cái của chúng và những con trưởng thành không giao phối. Vẫy đuôi khi chào hỏi là một trong nhiều cách sói thông báo trạng thái của chúng trong đàn.

Một con sói giữ đuôi của nó thấp và vẫy nhanh để thể hiện sự phục tùng. Những hành vi thể hiện bậc trên và bậc dưới là những cách dễ dàng để chỉ ra con sói nào có quyền tiếp cận ưu tiên đến các nguồn tài nguyên, chẳng hạn như thức ăn.

Con đực đầu đàn và con cái sinh sản là những thành viên có thứ hạng cao nhất trong đàn và phần còn lại của thứ bậc được xác định theo tuổi, con nào lớn hơn có thứ bậc cao hơn.

Marshall-Pescini giải thích rằng, thứ bậc gia đình của chúng tương tự như thứ bậc gia đình của con người theo một số mặt. “Tôi nghĩ nếu bạn hỏi bất kỳ anh chị em nào nhỏ tuổi hơn, họ sẽ thường công nhận rằng anh hay chị lớn của họ chắc chắn là người có tiếng nói hơn trong gia đình. Và chính các bậc cha mẹ là người phải thương lượng về việc chia sẻ các nguồn lực” – nhà nghiên cứu Marshall-Pescini nhấn mạnh.

Việc vẫy đuôi của sói thường được kết hợp với hành động liếm môi, trong đó một con sói cấp dưới sẽ cố gắng liếm môi của một con sói cấp cao hơn. Những hành vi này bắt đầu khi chó sói còn nhỏ.

Trong xã hội loài sói, những con trưởng thành và anh chị lớn bỏ lại những chú chó nhỏ nhất để đi săn. Sau đó, những chú chó con chào đón những con sói lớn tuổi hơn khi chúng trở về.

Theo Trung tâm Chó sói quốc tế ở Minnesota, từ 3 tuần tuổi, chó con đã không còn phụ thuộc quá nhiều vào sữa mẹ và bắt đầu ăn thịt được các thành viên trưởng thành trong đàn “mớm”. Liếm môi vô tình gây ra hành vi nôn mửa ở sói trưởng thành, vì vậy hành vi chào hỏi giúp sói con có được bữa ăn từ trong miệng chó sói trưởng thành.

Ngoài ra, chó sói sẽ chuyển từ thịt nhai hộ sang thịt thông thường khi chúng được khoảng 6 tuần tuổi, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi chào hỏi liếm môi và vẫy đuôi để thể hiện cấp bậc.

Thay vì chạy đến gần các thành viên có cấp bậc cao hơn trong đàn của chúng như sói, chó nhà vẫy đuôi để chào đón con người và thường cố gắng liếm mặt chúng ta, trừ khi chúng ta huấn luyện chúng từ bỏ hành vi này.

Marshall-Pescini cho biết: “Những con chó đã học được rằng việc liếm mặt có thể không được đánh giá cao và có thể loại bỏ nó. Nhưng chúng chắc chắn vẫn có đủ loại hành vi chào hỏi, bao gồm cả hành vi vẫy đuôi”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất