Giải pháp hiệu quả chống nóng trên sân thượng
Cách chống nóng sân thượng
Việt Nam là một nước có khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ trung bình hằng năm tương đối cao, dao động từ 22ºC đến 27ºC, đặc biệt là vào mùa hè ở các tỉnh phía nam như TP.HCM, Vũng Tàu, Long An… Vì vậy, tìm cách chống nóng hiệu quả cho các công trình xây dựng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Bề mặt công trình có thời gian chịu bức xạ của ánh nắng mặt trời lâu và nhiều nhất chính là sân thượng hoặc mái nhà. Vì vậy việc đưa ra các giải pháp kiến trúc, kĩ thuật chống nóng sân thượng sẽ góp phần làm mát cho các công trình xây dựng. Sau đây là một số giải pháp hiệu quả.
Chống nóng sân thượng bằng vườn trên mái
Trước tình trạng đất ở khan hiếm, đặc biệt là ở khu vực trung tâm như đất TPHCM và đất Hà Nội thì khái niệm vườn cây là khá xa xỉ. Nhà phố, căn hộ chung cư là những nơi mà chủ nhân rất khó có thể sở hữu một mảnh vườn riêng vì sự hạn chế của diện tích xây dựng và đặc thù của kiến trúc. Vườn trên mái, “vườn treo” là giải pháp dù không mới nhưng vẫn rất hay và hiệu quả, mang nhiều sắc thái đa dạng và phù hợp với tình trạng thiếu màu xanh của cây cối trong môi trường đô thị nói chung và từng không gian của nhà ở nói riêng.
Vườn trên mái là một cách chống nóng sân thượng hiệu quả. (Ảnh: muathuenha.com).
Trồng cây trên sân thượng, làm vườn trên sân thượng không chỉ là một phần trang tríngoại thất, hay một thú vui của chủ nhà, mà nó còn có ý nghĩa công năng thật sự. Nếu được nghiên cứu và kết hợp tốt, thì vườn trên mái là một cách chống nóng hiệu quả bên cạnh yếu tố thẩm mỹ và làm đẹp cho công trình.
Lớp đất ẩm của vườn trên mái sẽ ngăn bức xạ chiếu trực tiếp xuống bề mặt bê tông của mái, giúp điều hoà nhiệt độ và chống nóng sân thượng rất hiệu quả. Ngoài ra, việc giảm bức xạ cũng làm cho bê tông mái giảm thiểu hiện tượng co ngót (đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi đột ngột) gây nứt bề mặt, từ đó dẫn đến hiện tượng thấm dột.
Tuy nhiên, để cách chống nóng này được hiệu quả cao, phần sân thượng phải được thiết kế chống thấm tốt, các loại cây trồng trên sân thượng phải được lựa chọn phù hợp. Những loại cây trồng trên mái nên là những loại cây dễ sống trong điều kiện ít được chăm sóc, không vươn cao quá. Không nên trồng cây rễ cọc ở trên mái, vì khó có thể có đủ độ sâu đất cho cây, cũng như rễ cây có thể xuyên sâu làm ảnh hưởng đến kết cấu bêtông. Việc xử lý thoát nước, chống úng ngập cũng rất quan trọng và phải được thi công kỹ lưỡng theo đúng tiêu chuẩn, quy trình.
Trên sân thượng cũng có thể thiết kế hồ bơi, hồ nước, hòn non bộ… kết hợp với vườn cây sẽ là một giải pháp hiệu quả để chống nóng sân thượng.
Chống nắng nóng bằng vật liệu chống nóng
Đối với những gia chủ muốn tạo ra một không gian thông thoáng ở ngoài trời, biến sân thượng trở thành một góc riêng tư hay tận dụng làm nơi tụ họp, quây quần với gia đình thì có thể lựa chọn các loại vật liệu chống nóng phù hợp, vừa có thể giúp chống nóng cho sân thượng vừa có thể tạo ra góc sinh hoạt cho gia đình.
Một số vật liệu chống nóng phổ biến trên thị trường hiện nay:
Mái ngói: tuy đây là loại vật liệu không mới nhưng lại có hiệu quả chống nóng khá tốt (giúp giảm 40 – 50% hơi nóng), đặc biệt loại vật liệu này không quá mắc, phù hợp với đa số người có nhu cầu cải tạo phần sân thượng, chống nóng cho ngôi nhà.
Gạch cách nhiệt: hiện nay trên thị trường ở TPHCM và một số nơi khác phổ biến loại gạch bọng chống nóng 8 lỗ hay gạch chữ U. Loại gạch này dùng lát trực tiếp trên mặt bê tông và bên trên có thể láng vữa lát gạch tàu, gạch men… Với việc tạo ra những lỗ rỗng ở viên gạch nhà chế tạo đã giảm bớt nhiệt hấp thụ lên mái nhà.
Gạch chống nóng chữ U. (Ảnh: gachngoidongnai.com).
Lợp tấm đan phủ mặt: Giải pháp chống nóng sân thượng và chống thấm tốt là tạo thêm một lớp đan phủ mặt trên sân thượng. Lớp đan dày ít nhất 5 cm, độ dốc ít nhất là 0,5%. Nhựa flintkote quét 3 nước, có lưới thủy tinh hay nilon. Lớp gạch hoặc cục bê tông chỉ đặt sau khi trát vữa chống thấm và quét flintkote.
Tác dụng của các tấm đan là che chở lớp đan mái khỏi bị nứt nẻ. Lớp không khí ở giữa để cách nhiệt. Làm cách này tuy tốn kém, nhưng dễ sửa chữa, khi bị dột, chỉ cần dỡ đan lên và quét lại flintkote vào những nơi bị thấm nước.
Tấm lợp sinh thái Onduline: với đặc tính cách nhiệt, cách âm tốt, trọng lượng nhẹ và bền nên đây là một trong những loại vật liệu chống nóng hiệu quả cho công trình.
Tấm lợp phủ Onduline lên mái cũ. (Ảnh: thuongmaixaydung.divivu.com).
Tấm polynum cách nhiệt: Trên thị trường còn có tấm polynum cách nhiệt trải áp dưới các dạng mái như ngói, tôn và các loại tấm lợp khác. Tấm polynum dày 0,5 cm, cấu tạo từ nhựa, chứa các túi khí nhỏ lấm tấm như những hạt nút, trên bề mặt phủ một hay hai lớp nhôm mỏng nguyên chất để cách nhiệt bức xạ mặt trời theo phương pháp phản nhiệt. Có thể thi công làm mới hay đóng trên mái nhà hiện hữu.
Cấu tạo của một tấm polynum cách nhiệt. (Ảnh: kenhxaydung.vn).
Tôn nhựa sợi thủy tinh: được gia cố thêm những sợi thủy tinh bền chắc nên có độ bền cao với mọi điều kiện thời tiết, cách điện khi trời giông sét, không hút ẩm, không bị rỉ sét…Ngoài khả năng cách âm, cách nhiệt, tôn có khả năng tạo môi trường trong lành và làm sáng sủa ngôi nhà. Tôn nhựa sợi thủy tinh còn có trọng lượng nhẹ, nên dễ dàng trong vận chuyển và thi công.