Giải thích hiện tượng "sóng thần băng" xô vào bờ
Những con sóng băng di chuyển vào bờ hồ lớn khi băng mùa đông bắt đầu tan chảy và có gió mạnh thổi liên tục.
Vào cuối tháng 2, băng mùa đông tại Bắc bán cầu bắt đầu tan chảy. Ở các hồ nước lớn, vô số tảng băng bị gió thổi vào bờ, tạo thành những con sóng băng từ từ xâm lấn khu vực xung quanh hồ, hay còn gọi là hiện tượng "sóng thần băng", theo Guardian.
Điều kiện cần thiết để tạo ra "sóng thần băng" là phải có các vết nứt lớn trên mặt băng của hồ, tạo ra nhiều tảng băng trôi nổi tự do trên mặt hồ bắt đầu tan chảy. Sau đó, cần phải có gió mạnh thổi ít nhất 12 giờ liên tục.
Hiện tượng "sóng thần băng" thường xảy ra tại các hồ nước lớn ở Canada, phía bắc nước Mỹ và hồ Baikal, Nga.
Lực đẩy của gió làm tăng tốc các tảng băng khổng lồ về phía bờ. Tuy băng di chuyển chậm, nhưng dường như không thứ gì có thể ngăn cản được nó. Băng vỡ ra, xếp chồng lên nhau khi tiếp cận với mặt đất. Theo một nghiên cứu, các tảng băng bị đẩy đi quãng đường khoảng 400 m trong vài giờ, mặc dù chúng chỉ lấn vào đất liền một vài mét.
Hiện tượng "sóng thần băng" thường xảy ra tại các hồ nước lớn ở Canada, phía bắc nước Mỹ và hồ Baikal, Nga. Nó làm tắc nghẽn đường đi trên bờ hồ, gây tổn hại đến cây cối và các tòa nhà. Những người chứng kiến cảnh tượng này nói rằng, họ nghe thấy âm thanh loảng xoảng do băng tạo ra giống như tàu hỏa đang chạy qua.