Hàng ngàn vệt xanh này đang xuất hiện tại Nam Cực, và đó là tin cực kỳ xấu
Những vệt màu xanh này có thể đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho vùng Nam cực nói riêng và Trái đất nói chung.
Mới đây, bản đồ phía Đông Nam Cực đang xuất hiện rất nhiều vệt màu xanh dương kỳ lạ như hình dưới đây.
Vệt màu xanh dương kỳ lạ xuất hiện ở Nam Cực.
Đây chính là những hồ nước đang xuất hiện tại Nam Cực, với số lượng lên tới hàng ngàn. Và theo các chuyên gia, họ đang cực kỳ lo ngại.
Trước kia, hiện tượng này đã từng xảy ra tại Greenland. Những lớp băng tại quốc gia này bỗng nhanh chóng tan chảy, khiến Greenland mất cả ngàn tỉ tấn băng đá trong giai đoạn 2011 - 2013. Và nguyên nhân được cho là vì chính những hồ nước này.
Nhóm nghiên cứu tại Anh sau khi phân tích các hình ảnh từ vệ tinh, lần đầu tiên họ nhận ra một điều rằng trong giai đoạn 2000 - 2013, Nam Cực đã có tới hơn 8.000 hồ nước xuất hiện. Trong số này, có những hồ nước được hình thành do băng tan chảy, và chúng có nguy cơ khiến toàn bộ thềm băng tại đây mất ổn định.
Vấn đề ở đây nằm ở chỗ, từ trước đến nay các chuyên gia vẫn mặc định rằng khu vực Đông Nam Cực vốn miễn nhiễm với tác động từ biến đổi khí hậu. Do đó, họ chỉ tập trung nghiên cứu khu vực Peninsula Nam Cực - khu cực Bắc của Nam Cực - nơi có các dấu hiệu ảnh hưởng từ khí hậu ấm lên.
Từ trước đến nay các chuyên gia vẫn mặc định rằng khu vực Đông Nam Cực vốn miễn nhiễm với tác động từ biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, kiến thức về vùng Đông Nam Cực hiện nay là khá hạn chế, và các chuyên gia sợ rằng điều này sẽ khiến chúng ta khó lòng khắc phục cũng như dự đoán được hậu quả do các hồ nước này gây ra.
Theo Stewart Jamieson, chuyên gia từ ĐH Durham (Anh): "Đông Nam Cực là khu vực vốn được cho là ổn định. Những thay đổi tại đây đều không đáng kể, và khí hậu thì cực kỳ lạnh, vậy nên đây là những hồ nước đầu tiên được xác định".
Ông giải thích, nhiệt độ tăng lên trong mùa hè sẽ khiến những hồ nước này hình thành trên bề mặt băng đá. Nhưng những hồ nước như vậy không thể tồn tại lâu. Chúng có thể bị đóng băng ngược trở lại - và đấy là nếu may mắn.
Còn không, nguồn nước hồ có thể chảy ngược xuống các tảng băng trôi bên dưới, hoặc chảy ra các sông băng và thoát ra ngoài đại dương. Nếu rơi vào trường hợp này, lớp băng giá sẽ dần bị bào mòn. Cấu trúc băng đá yếu dần, đẩy nhanh quá trình tan chảy, giống như trường hợp của Greenland vậy.
Biến đổi khí hậu là thủ phạm
Nhưng tại sao đột nhiên khu vực Đông Nam Cực lại xuất hiện quá nhiều hồ nước trong vài năm trở lại đây? Chắc bạn cũng đoán ra - chính là do biến đổi khí hậu.
Do biến đổi khí hậu nên vùng Đông Nam Cực xuất hiện nhiều hồ lớn.
Theo nhóm nghiên cứu thì trong giai đoạn nghiên cứu kéo dài 13 năm, mùa hè 2012 - 2013 là những mùa hè nóng nhất, trong đó có tới 37 ngày nhiệt độ "dương" - tức là trên 0 độ C. Trong khoảng này, các hồ nước mới hình thành nhiều hơn thông thường tới 36%.
Jamieson cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của những hồ nước này có mối liên hệ trực tiếp với nhiệt độ không khí. Không chỉ vậy, cả số lượng hồ, diện tích hồ, độ sâu của hồ cũng không ngoại lệ".
Hiện tại các chuyên gia chưa đủ "tự tin" để tuyên bố vùng Đông Nam Cực đang bắt đầu bị huỷ diệt. Tuy nhiên trong tháng 7/2016, thế giới ghi nhận một mùa hè nóng kỷ lục, cùng với đó là mực nước biển tăng nhanh với vận tốc lớn chưa từng thấy, tức là ngày càng có nhiều hồ nước xuất hiện hơn.
Theo Jamieson: "Diện tích hồ có thể chưa đủ lớn để gây ảnh hưởng quá nhiều lúc này, nhưng nếu khí hậu tiếp tục thay đổi trong tương lai, chúng ta chỉ có thể đứng nhìn số lượng và kích cỡ hồ tăng lên thôi".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.