Hành tinh cổ đại kỳ quái: Đất toàn sa mạc, bầu trời ngập nước
Theo Sci-News, đó là hành tinh mang tên TOI-220b, nằm trong hệ TOI-220 cách Trái đất 290 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Hội Giá (Pictor).
Tiến sĩ Sergio Hoyer từ Đại học Aix Marseille (Pháp), tác giả chính của nghiên cứu cho biết thế giới họ tìm được có thể gợi mở nhiều thông tin về những hành tinh hình thành trong "buổi bình minh" vũ trụ. Hành tinh mới này là một hành tinh khí, kích thước lớn hơn Trái đất khoảng 3 lần nhưng nặng hơn gấp 13,8 lần, mật độ 2,73g/cm3.
TOI-220b và ngôi sao mẹ 10 tỉ tuổi.
Ngôi sao mẹ của nó là một sao lùn loại K đã 10 tỉ năm tuổi và thông thường một hành tinh sẽ không thua tuổi "mẹ" của nó bao nhiêu.
TOI-220b quay quanh sao mẹ mỗi 10,7 ngày với khoảng cách chỉ bằng 9% khoảng cách từ Mặt Trời tới Trái đất. Do cực gần sao mẹ, nó nằm trong một khu vực "tử thần" của hệ sao, được gọi là "sa mạc Hải Vương Tinh".
Tiến sĩ Hoyer và các đồng tác giả ước tính nhiệt độ của hành tinh vào khoảng 533 độ C, và tất nhiên khó lòng có thể sống được. Tuy nhiên bầu khí quyển của nó lại là một không gian "ngập nước", tức giàu nước đến mức "siêu tới hạn". Khí quyển của nó có thể có thành phần chủ yếu là hydro/helium. Ngược lại, bên trong lớp vỏ khí đầy nước này là một lớp phủ giàu silicat, như một dạng "sa mạc ngầm" kỳ dị. Lõi bên trong của nó bằng sắt và rất lớn.
Bài công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society cho biết để tìm hiểu bản chất của hành tinh cổ đại quái dị này, họ đã dùng máy quang phổ HARPS trên kính thiên văn La Silla 3,6 m của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) để phân tích rõ hơn các dữ liệu ban đầu được ghi nhận bởi "thợ săn ngoại hành tinh" – Kính viễn vọng không gian TESS của NASA.
- Cô bé mê khoa học được "freeship" vật lưu niệm lên Mặt trăng
- Bắt được hình ảnh "xuyên không" 10 tỉ năm từ "quái vật kép" vũ trụ
- Tàu thăm dò Osiris-Rex bắt đầu hành trình dài trở về Trái đất