Hạt vũ trụ có thể là cách để tìm ra kim tự tháp đã được xây như thế nào
Dữ liệu từ hạt Muyon có thể giúp các nhà khoa học tìm thấy một căn buồng bí mật.
Trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã đặt ra vô số giả thuyết về cách người Ai Cập cổ đại xây dựng nên các kim tự tháp khổng lồ. Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có một giả thuyết nào được chứng minh hoàn toàn. Và để đi tìm các bằng chứng mới, một nhóm các nhà nghiên cứu quyết định thu thập hạt vũ trụ bên trong kim tự tháp với hi vọng làm sáng tỏ những bí mật mà chúng đang nắm giữ.
Hạt vũ trụ có thể tiết lộ cách mà kim tự tháp được xây dựng.
Bắt đầu từ vài tháng qua, một nhóm các nhà khoa học Ai Cập đã tiến hành lắp đặt rất nhiều cảm biến siêu nhạy bên trong kim tự tháp Bent, cách thủ đô Cairo 40km về phía nam. Chúng sẽ giúp thu thập dữ liệu đến từ các hạt hạ nguyên tử vô hình có tên gọi Muyon.
Những hạt Muyon này được tạo ra khi tia vũ trụ từ không gian sâu bên ngoài Hệ Mặt Trời tương tác với bầu khí quyển của Trái Đất. Chúng liên tục lắng đọng xuống bề mặt hành tinh chúng ta với vận tốc tương đương ánh sáng. Trung bình mỗi phút có khoảng 10.000 hạt Muyon rơi trên mỗi mét vuông bề mặt hành tinh.
Hạt Muyon mang năng lượng lớn hơn cả tia X-quang. Do đó, chúng dễ dàng đi xuyên qua những khoảng không gian trống nhưng sẽ bị hấp thụ mạnh hoặc chệch hướng bởi vật liệu dày đặc, điển hình là các khối đá của kim tự tháp.
Khai thác đặc điểm này, các nhà khoa học có thể sử dụng dữ liệu từ các hạt Muyon để tạo một tấm bản đồ của kim tự tháp. Nó sẽ tiết lộ những bằng chứng về kỹ thuật xây dựng hoặc giúp các nhà khoa học tìm thấy một căn buồng bí mật. Kỹ thuật này trước đây đã từng được sử dụng để lập bản đồ cấu trúc bên trong núi lửa.
Hạt Muyon sẽ bị chặn bởi các khối đá kim tự tháp.
"Nói về cách mà người Ai Cập cổ đã xây kim tự tháp, chưa có một lý thuyết nào được đưa ra với đầy đủ bằng chứng chắc chắn 100%. Tất cả mới chỉ là các giả thuyết", Hany Helal, phó chủ tịch Viện bảo tồn di sản tân tiến Ai Cập cho biết.
"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm nhằm mục đích kiểm tra độ chính xác của các giả thuyết. Trong trường hợp cần thiết, dữ liệu từ các hạt vũ trụ có thể được sử dụng để thay đổi hoặc bổ sung giả thuyết mới về cách kim tự tháp được xây dựng".
Hiện tại, nhóm nghiên cứu cho biết các dữ liệu về hạt vũ trụ tại kim tự tháp Bent đã được thu thập xong. Họ sẽ sớm chuyển qua giai đoạn phân tích. Kết quả sẽ tiết lộ khu vực nào trống rỗng hoặc dày đặc. Qua đó, các nhà khoa học sẽ hiểu được làm thế nào công trình vị đại này được xây dựng và những bí mật mà nó nắm giữ.
"Ngay cả khi chúng tôi tìm thấy 1 mét vuông vắng mặt các hạt vũ trụ, nó sẽ mang lại những câu hỏi mới, đặt ra một giả thuyết mới để trả lời", Mehdi Tayoubi, chủ tịch Viện bảo tồn di sản tân tiến Ai Cập cho biết.
Một dấu hiệu bất thường về nhiệt trong kim tự tháp Khufu.
Kim tự tháp Bent được xây dựng khoảng 4.600 năm trước bởi Pharaoh Sneferu. Sở dĩ nó được chọn làm đối tượng nghiên cứu sử dụng công nghệ mới vì đây là kim tự tháp nhẵn mặt đầu tiên mà Ai Cập xây dựng. Các kim tự tháp trước đó đều có bề mặt bên ngoài dạng bậc thang.
Cũng phải nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng dữ liệu hạt Muyon để nghiên cứu kim tự tháp. Trở lại những năm 1960, nhà khoa học Luis Alvarez cũng đã sử dụng kỹ thuật tương tự để tìm kiếm các căn phòng bí mật bên trong kim tự tháp Khafra. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã thất bại.
Năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc dự án mang tên Scan Pyramids quyết định tái khởi động ý tưởng của Alvarez.
Họ sẽ sử dụng các thiết bị quét và cảm biến hiện đại hơn với hi vọng thu thập dữ liệu tinh tế về cấu trúc kim tự tháp.
Trong tháng 11, một bất thường về nhiệt đã được phát hiện trong kim tự tháp Khufu thuộc quần thể Giza 4.500 tuổi. Nhóm nghiên cứu cho biết trong khi phân tích dữ liệu về hạt vũ trụ tại kim tự tháp Bent, họ cũng sẽ tiến hành lắp đặt ngay các cảm biến tại Khufu. Dự kiến công việc sẽ được hoàn thành trong một vài tháng. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu bí mật nào tiếp theo của kim tự tháp sẽ được tiết lộ.