Henry Ford đã khiến thế giới chuyển từ ngựa sang ô tô bằng cách nào?
Câu chuyện về tầm nhìn và giai đoạn khởi nghiệp của Henry Ford - cha đẻ ngành công nghiệp ô tô sẽ mang lại những bài học, chiến lược kinh doanh kinh điển của một cá nhân sáng tạo đã làm thay đổi thế giới nhưng lại ít được biết đến trong 40 năm đầu cuộc đời ông.
“Khi tôi hỏi mọi người rằng họ muốn phương tiện đi lại của mình như thế nào? Họ nói với tôi rằng họ muốn một con ngựa chạy nhanh hơn”, trích từ tiểu sử của Henry Ford.
Thay đổi thói quen con người không dễ, nhưng Ford đã làm được.
Ford sinh thời khi mọi người sử dụng ngựa như là một phương tiện đi lại thông dụng và được ưa chuộng. Vì thế, khi ông khảo sát thị hiếu của mọi người từ sáng chế của mình, ông đã rút được bài học rằng không bao giờ có thị trường cho các hàng hóa mới.
Đó thật sự là thử thách. Thay đổi thói quen con người không dễ, tạo ra một cuộc cách mạng hóa để thay đổi ý niệm truyền thống thậm chí còn khó hơn. Nhưng Ford đã làm được. Ông đã thay đổi thế giới khi giờ đây có hàng triệu người đang sử dụng ý tưởng từ sáng chế của ông như một thói quen thông dụng. Vậy Ford đã làm điều đó bằng cách nào?
Dũng cảm đi theo tầm nhìn của mình
Ngay từ khi còn nhỏ, Ford đã nghĩ rằng có nhiều việc có thể được thực hiện tốt hơn bằng cách nào đó. Chính suy nghĩ này đã khiến ông đam mê ngành cơ khí, và ông được mẹ tả như là một thợ máy bẩm sinh.
Thuở bé, Ford đã có một cái xưởng nhỏ với các mẫu kim loại lặt vặt dùng làm công cụ. Hồi đó, tất cả đồ chơi của ông đều được chế tạo bằng tay thủ công, khác xa so với đồ chơi bây giờ. Khoảng khắc tuyệt nhất trong tuổi thơ của Ford là ông thấy động cơ đường sắt, một chiếc xe chạy bằng hơi nước. Đó là chiếc xe đầu tiên ông thấy chạy được mà không cần ngựa kéo.
Hay thích tháo gỡ, lắp ráp mọi thứ, khi 15 tuổi, ông có thể sửa mọi chiếc đồng hồ và được kỳ vọng sẽ trở thành một nhà sản xuất đồng hồ. Nhưng ý nghĩ về “một cỗ xe không cần ngựa kéo” quá kỳ diệu và với sự tự nỗ lực bản thân, Ford bắt đầu làm ra một chiếc xe từ phân xưởng xây trên trang trại của gia đình.
Ford bắt đầu làm ra một chiếc xe từ phân xưởng xây trên trang trại của gia đình.
Khi được 17 tuổi, ông bắt đầu ông bắt đầu công việc của một người thợ máy học nghề, đủ điều kiện trở thành thợ trước thời hạn và được nâng lên các cấp cao hơn trong nhà máy động cơ Drydock. Khi rảnh rỗi, ông nghiên cứu cơ chế hoạt động của động cơ chạy bằng xăng và mơ đến việc làm nên một “chiếc xe hơi toàn cầu” có thể vận chuyển con người ít tốn chi phí và đáng tin cậy.
Trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với nhà phát minh Thomas Edison khi được hai mươi tuổi, Ford đã được truyền một nguồn cảm hứng vô tận. Cho dù lúc đó, điện đang được coi là một phát minh quan trọng của Edison và mọi người đều bảo rằng điện sẽ là tương lai, nhưng Edison vẫn nói với Ford rằng phải tiếp tục bền bỉ với hướng đi riêng của ông.
Sau đó, ông chủ của Ford tại công ty Detroit Edison đề cử ông lên một vị trí cao với điều kiện ông phải từ bỏ niềm đam mê cá nhân của mình để chuyên tâm vào công việc hữu ích hơn.
“Điều này khiến tôi phải đứng trước sự lựa chọn giữa công việc với cơ hội thăng tiến đang rộng mở và niềm say mê ô tô của bản thân. Cuối cùng, tôi đã chọn ô tô và thôi việc. Thật ra, tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác bởi tôi biết rằng chính ô tô mới mang lại sự thành công cho mình, mặc dù nhiều người khác không nghĩ thế”, trích tiểu sử My life and work của Henry Ford.
Bỏ qua danh vọng trước mắt chỉ để có một cơ hội thay đổi thế giới bằng việc theo đuổi đam mê đòi hỏi sự dũng cảm của mỗi cá nhân. Ông đã chính thức thôi việc vào ngày 15 tháng 8 năm 1899 và bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô từ đó.
Khởi nghiệp
Không có nguồn vốn cá nhân, Ford kết hợp với một nhóm nhà đầu tư để lập ra công ty Detroit Automobile Company. Ông nhanh chóng nhận ra rằng những nhà đầu tư này chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt hơn là sản xuất ra một chiếc xe tốt hơn, vì thế chỉ sau một năm với 20 chiếc xe hơi được sản xuất, Ford rút ra khỏi công ty.
Bốn năm sau, người đàn ông 40 tuổi có dáng người mảnh khảnh lập ra công ty Ford Motor Company. Công ty huy động được số vốn là 100.000 đô la, và lần này Ford sở hữu ¼ cổ phiếu của công ty.
Trong năm đầu tiên, công ty đã sản xuất hơn 1.700 chiếc xe Model A và chúng đạt được thành công ban đầu nhờ tính năng đáng tin cậy. Sang năm thứ hai, do áp lực từ các cộng sự, Ford đưa ra ba mẫu xe và nâng giá bán. Công ty bán được ít xe hơn.
Ford nhận ra cần phải nắm được số cổ phần lớn để có thể toàn quyền kiểm soát.
Từ đây, Ford nhận ra cần phải nắm được số cổ phần lớn để có thể toàn quyền kiểm soát. Vì thế, ông dùng thu nhập hàng tháng của mình để mua lại số lượng cổ phiếu, từ 50% và sau đó là 100%.
Năm 1908-1909, công ty bán ra hơn 10.000 chiếc xe và chịu áp lực phải mở rộng dòng sản phẩm. Tuy nhiên, Ford lại đi theo hướng ngược lại hoàn toàn. Một buổi sáng năm 1909, ông tuyên bố từ này công ty chỉ sẽ bán ra một mẫu xe duy nhất với giá thành luôn giảm qua thời gian: Model T. Thêm nữa, chỉ có một màu.
“Khách hàng nào cũng có thể có được chiếc xe hơi sơn màu anh ta muốn nếu như nó màu đen”, là câu nói đã trở thành nổi tiếng của ông.
Trong khi nhiều người vẫn nghĩ rằng giá bán thấp sẽ khiến công ty phá sản thì Ford tin vào chiến lược này sẽ giúp thị trường mở rộng mạnh mẽ. Thực tế đã diễn ra đúng như ông kỳ vọng. Ông bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất dây chuyền lớn nhất thế giới, Highland Park, và công suất nhảy vọt từ 6.000 lên đến 35.000 chiếc/năm, trong khi số lượng nhân viên tăng chưa đến gấp đôi.
Chỉ 10 năm sau, công ty đã làm ra 4.000 chiếc xe mỗi ngày và năm sau là 5 triệu chiếc xe/năm. Vào cuối thập niên, 15 triệu chiếc xe Model T được sản xuất, đánh dấu cột mốc kỳ diệu trong việc sản xuất đại trà.
Sở dĩ nhà máy có thể mở rộng quy mô lớn đến như vậy đều bắt nguồn từ chính chiến lược kinh doanh của Ford. Trong quá khứ, những chiếc xe hơi đầu tiên được xem như là một thứ đồ chơi của người giàu có, được bán cho những người có nhu cầu giải trí hay muốn chứng tỏ địa vị.
Ford đã thay đổi quan niệm này bằng cách quảng cáo tính hữu dụng của những chiếc xe hơi hãng Ford. Xe cũng được bán ra nhờ việc dễ điều khiển, dễ sử dụng và từ đó có câu: “Bất kể ai cũng có thể lái một chiếc Ford”.
Ford rất ghét ý tưởng làm cho chiếc xe hơi trở nên đắt đỏ.
Tuy nhiên, chính chiến lược giá mới là yếu tố hàng đầu khiến công ty trở nên thành công ngoài mong đợi. Vào những năm 1909-1910, chiếc xe trị giá 950 đô la. Mười năm sau, giá xe chỉ còn 355 đô la.
Ford rất ghét ý tưởng làm cho chiếc xe hơi trở nên đắt đỏ. Thay vào đó, chiến lược của ông là định giá dựa trên chi phí sản xuất. Có nghĩa, nếu các nhà máy của ông có thể hoạt động ngày càng hiệu quả hơn thì người tiêu dùng sẽ được lợi.
Cũng giống như Sam Walton với chuỗi siêu thị Wal-Mart, Ford phát hiện ra rằng ông có thể kiếm được nhiều lãi hơn nhờ bán được nhiều sản phẩm với giá thấp hơn, thay vì bán số lượng ít với giá cao.
Nếu bạn bán được sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ, đây sẽ là lợi thế cạnh tranh khó vượt qua của doanh nghiệp, do đó “bạn sẽ tìm thấy nhu cầu cao hơn đến mức có thể gọi là toàn cầu”, Ford viết trong cuốn tiểu sử của mình.
Chiến lược này nghe có vẻ “quen thuộc” với thời đại chúng ta, nhưng đó là một trong những bí quyết kinh điển đã mang lại thành công đáng kinh ngạc trong kinh doanh của Henry Ford.