Hiện tượng cực đoan đang diễn ra trên Trái đất giống những sự kiện tuyệt chủng đã từng xảy ra trong quá khứ
Nếu sống gần nguồn nước ngọt, khả năng cao bạn đã tận mắt chứng kiến tảo có hại sinh sôi gần bờ nước và khiến động vật bản địa chết hàng loạt. Nghiên cứu mới chỉ ra đây là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy Trái đất đang rất gần một thảm họa sinh thái do con người gây ra, so sánh được với những sự kiện tuyệt chủng đã từng xảy ra trên Trái đất.
Chúng ta có trong tay hóa thạch kể lại câu chuyện của khoảng 251 triệu năm trước, có tựa đề “Sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi” (viết tắt: EPE). Đây là khoảng thời gian chứng kiến 90% giống loài trên Trái đất biến mất, khiến nó trở thành một trong những giai đoạn tăm tối nhất của sự sống trên Hành tinh Xanh.
Xương của Lystrosaurus, loài động vật có xương sống may mắn giữ được mạng sau sự kiện tuyệt chủng quy mô hành tinh.
Những hiện tượng từng hiện hữu trong Sự kiện tuyệt chủng EPE đang một lần nữa xuất hiện trên Trái đất. Đây là kết luận của một nhóm nghiên cứu dẫn dắt bởi Chris Mays, nhà cổ thực vật học công tác tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển. Nhóm phát hiện những tảo độc và những cụm khuẩn có hại tới các loài thủy sinh hiện hữu trong cả Sự kiện tuyệt chủng lẫn nguồn nước ngọt trên Trái đất thời hiện đại. Theo nhận định, chúng phát sinh từ hoạt động của con người như xả khí nhà kính, phá rừng và làm xói mòn đất.
“Chúng ta chưa tới ngưỡng đó đâu”, chuyên gia Mays viết trong email, ý nói vẫn chưa đủ điều kiện sản sinh ra một sự kiện tuyệt chủng mới. “Có lẽ khí carbon dioxide trong thời kỳ EPE cao hơn 6 lần hiện tại, tuy nhiên mức carbon dioxide hiện nay vẫn chưa cao hơn gấp đôi thời kỳ tiền công nghiệp”.
“Nhưng với tốc độ tăng carbon dioxide trong không khí nhanh như hiện tại, chúng ta đang rất giỏi trong trò chơi đuổi bắt này. Tỷ lệ diễn ra sự kiện bùng nổ vi khuẩn trong nước, bên cạnh những yếu tố thay đổi cực đoan khác (như bão lớn, lũ lụt, cháy rừng), cũng đều tăng, đều giúp con dốc carbon dioxide thêm đứng”.
Hai dấu hiệu xấu xuất hiện trong cả Sự kiện tuyệt chủng xưa và Trái đất ngày nay “là tín hiệu xấu cho những thay đổi của môi trường tương lai”, báo cáo được đăng tải trên Nature ghi rõ. Thật vậy, có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng chúng ta đang dần tiến tới một sự kiện tuyệt chủng nữa, lần này do con người gây ra.
Chúng ta đang dần tiến tới một sự kiện tuyệt chủng nữa.
Việc số lượng khuẩn bùng nổ không chỉ biến những vùng nước ngọt thành “vùng chết”, chúng còn khiến thiệt hại của sự kiện tuyệt chủng nặng nề hơn, đồng thời làm quá trình phục hồi của hệ sinh thái dài thêm hàng triệu năm. Nhà nghiên cứu Mays và các cộng sự có được kết luận này nhờ phân tích hóa thạch gần khu vực Sydney, Úc. Những phiến đá đã có mặt trên Trái đất trước, trong và sau khi sự kiện tuyệt chủng vẽ nên phần nào bức tranh u ám.
Cho tới giờ, lý do chính EPE diễn ra vẫn còn là bí ẩn, nhưng chúng ta biết khói bụi từ các vụ phun trào núi lửa đã khiến nhiệt độ toàn cầu và lượng khí nhà kính đột ngột thay đổi. Cháy rừng, hạn hán và nhiều hiện tượng cực đoan khác nuốt chửng các cánh rừng, khiến thực vật chết hàng loạt.
Việc rừng, một trong những “bể” chứa carbon của Trái đất, đột nhiên biến mất ngay lập tức ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Đất màu mỡ một thời nhờ rừng cây lập tức bị xói mòn, dinh dưỡng trôi vào nguồn nước ngọt lại giúp vi sinh vật trong nước, vốn đang thịnh vượng nhờ nhiệt độ cao và không khí giàu carbon, bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Những nhóm khuẩn là một phần tất yếu của hệ sinh thái nước ngọt toàn cầu, nhưng những biến đổi khí hậu sinh ra bởi hoạt động xả thải của con người - bao gồm cháy rừng, phá rừng, xói mòn và hạn hán - đang gây ra một đợt bùng nổ tảo mới.
“Ba thành tố chính của thứ nước súp độc hại này là tốc độ xả khí nhà kính cao, nhiệt độ cao và dinh dưỡng dồi dào”, nhà nghiên cứu Mays nói. “Trong thời kỳ EPE và cả những sự kiện cực đoan khác, các vụ phun trào núi lửa cung cấp hai yếu tố đầu tiên, việc rừng đột ngột biến mất gây yếu tố thứ ba. Cụ thể: khi không còn cây xanh, đất xói mòn xuống sông và hồ, cung cấp dưỡng chất cho vi khuẩn”.
“Ngày nay, con người đang mạnh tay cung cấp cả ba yếu tố trên. Carbon dioxide và hiện tượng nóng lên toàn cầu là phụ phẩm tất yếu của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch suốt hàng trăm năm, chúng ta cũng đang đưa một lượng dưỡng chất khổng lồ vào đường nước, phần lớn thông qua hoạt động nông nghiệp và khai thác gỗ. Những yếu tố này gây nên hiện tượng bùng nổ tảo có hại”.
Hai mảng tảo ngoài Thái Bình Dương xuất hiện sau vụ cháy rừng kinh hoàng tại Úc.
Những hành động trên phát sinh nguy cơ tạo ra những vùng chết, vừa khiến hệ sinh thái lụi tàn lại vừa khiến quá trình hồi phục diễn ra chậm chạp. Đó là những hiện tượng đã xảy ra trong Sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi. Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu và tìm ra những điểm tương đồng giữa hai mốc thời gian.
“Nồng độ tảo ở sự kiện cuối kỷ Permi, sự kiện tuyệt chủng hàng loạt tồi tệ nhất lịch sử Trái đất, cao tương tự một số vụ bùng nổ tảo đang diễn ra gần đây. Tuy nhiên, những vụ bùng nổ này hồi EPE không có yếu tố con người giúp sức”.
“Hóa ra, sự kiện tuyệt chủng có thể diễn ra chỉ vì lượng khí nhà kính đột ngột tăng trong một khoảng thời gian ngắn. Không cần biết nguồn gốc của chúng là gì - dù là núi lửa, máy bay hay nhà máy nhiệt điện sử dụng than - kết quả vẫn có thể tương đồng”.
Việc theo dõi quá trình phát triển của tảo tại những vùng nước ngọt khắp thế giới có thể giúp ta dự đoán tác động của khủng hoảng khí hậu trong những thập kỷ tới đây, đồng thời có thể cho ta biết lý do tại sao tốc độ hồi phục lại chậm khi những vùng chết xuất hiện ngày một nhiều. Nhóm nghiên cứu cũng để mắt tới vai trò của cháy rừng trong sự kiện tuyệt chủng, tức là sự biến mất của những vùng rừng từng phủ xanh khu vực Nam Mỹ và Siberia.
“Như đã thấy trong hóa thạch, nếu không có những khu vực hấp thụ bớt carbon dioxide, hành tinh có thể ấm bất thường trong hàng ngàn năm”, nhà nghiên cứu Mays nói. “Dù rằng cháy rừng đóng vai trò quan trọng trong một số hệ sinh thái, tôi cho rằng đa số các nhà khoa học đồng ý rằng việc ngăn rừng cháy phải là ưu tiên hàng đầu, nếu ta muốn giảm thiểu ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu”.
“Không như những loài đã trải qua sự kiện tuyệt chủng trong quá khứ, chúng ta có cơ hội ngăn tảo độc sinh sôi bằng cách giữ cho nguồn nước sạch và giảm thiểu lượng khí nhà kính thải ra môi trường”.
- Vì sao các hành tinh trong Hệ Mặt trời quay trên cùng một mặt phẳng?
- Rừng cây "nhảy múa" độc đáo ở Indonesia có thực sự chuyển động?
- Video: Diều hâu sà xuống tấn công con rắn đen sì thì bị nạn nhân cắn trả, liệu kẻ nào sẽ tử nạn?