Hình xăm OLED phát sáng, không cần phẫu thuật để xóa
Năng lượng hình xăm lấy từ polyme điện phát quang cực kỳ nhỏ, phát sáng khi có điện tích đặt vào. Độ dày lớp polyme chỉ 2,3 micromet, bằng khoảng 1/3 đường kính tế bào hồng cầu.
Theo Gizmodo, các nhà khoa học châu Âu đã phát minh ra hình xăm phát sáng, có khả năng hiển thị thông tin, phục vụ cho mục đích chăm sóc sức khỏe, thể thao...
Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học College London và Học viện Công nghệ Ý cho biết công nghệ này có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, giải trí và quan trọng nhất là chăm sóc sức khỏe. Hình xăm dạng này sử dụng như xăm dán của trẻ em, không cần phẫu thuật để xóa.
Sáng kiến hình xăm thông minh theo dõi sức khỏe đã có trước đây. Tuy nhiên, hình xăm mới là loại có thể phát sáng đầu tiên trên thế giới, sử dụng diode phát sáng hữu cơ (OLED) - công nghệ tương tự trong các dòng TV cao cấp. Tính linh hoạt của OLED phù hợp sử dụng làm hình xăm vì có thể uốn cong, gấp lại theo chuyển động cơ thế.
Năng lượng của hình xăm lấy từ lớp polyme điện phát quang cực kỳ nhỏ, phát sáng khi có điện tích đặt vào. (Ảnh: Gizmodo).
Năng lượng của hình xăm lấy từ lớp polyme điện phát quang cực kỳ nhỏ, phát sáng khi có điện tích đặt vào. Độ dày lớp polyme chỉ 2,3 micromet, bằng khoảng 1/3 đường kính một tế bào hồng cầu. Sau đó, lớp polyme được kẹp giữa một cặp điện cực, nằm trên cùng lớp cách điện rồi in lên giấy xăm tạm thời.
“Hình xăm OLED phiên bản đầu do chúng tôi tạo ra có thể được sản xuất ở quy mô lớn với giá thành rẻ. Chúng có thể dùng trong mảng thời trang như hình xăm và móng tay phát sáng. Ngoài ra, còn có thể kết hợp với cảm biến mồ hôi để báo hiệu tình trạng mất nước của các vận động viên”, Franco Cacialli, nhà nghiên cứu dự án cho hay.
“Trong chăm sóc sức khỏe, hình xăm có thể phát ra ánh sáng khi tình trạng bệnh thay đổi hoặc nhận biết tế bào ung thư”, Cacialli cho biết thêm. Ngoài ra, hình xăm OLED còn có thể gắn lên các chất liệu khác ngoài da người như thủy tinh, nhựa và cả trái cây, thông báo khi thực phẩm quá hạn sử dụng.
Công nghệ này có nhiều tiềm năng vì giá thành rẻ, dễ sử dụng, dễ dàng rửa trôi bằng xà phòng và nước. Tuy nhiên, lớp polyme trong OLED có thể phân hủy nhanh khi tiếp xúc với không khí, cũng như vấn đề cung cấp năng lượng liên tục vẫn còn hạn chế. Các nhà nghiên cứu chia sẻ bước tiếp theo là tìm ra cách tích hợp pin, làm cho thiết bị bền hơn.
“Chúng tôi vẫn đang ở bước đầu tiên chứng minh công nghệ này có tính thực tiễn. Thách thức trong tương lai là tìm cách bảo vệ lớp OLED, tránh phân hủy nhanh khi tiếp xúc với không khí, cũng như tích hợp pin hoặc siêu tụ điện vào thiết bị”, Cacialli nói.
Với công nghệ hiện tại, hình xăm OLED chỉ có thể phát ra ánh sáng xanh lá. Tuy nhiên, trong tương lai, nó có thể hiển thị nhiều màu hơn khi áp dụng công nghệ ba điểm ảnh RGB.
Hình xăm có thể được dùng cho mục đích khác ngoài làm đẹp hay thể hiện cá tính bản thân. Trước đây, từng có ý tưởng cấy đèn LED dưới da song không thực tế, cũng không có ý nghĩa thực tiễn ngoài thẩm mỹ cá nhân.