Hóa ra cá heo cũng có "tay thuận" và nó giống loài người đến ngoài sức tưởng tượng
Con người, 90% dân số đều thuận tay phải, và nguyên nhân do một cơ chế bí ẩn nào đó trong não bộ mà khoa học vẫn chưa giải đáp được. Nhưng với thế giới động vật, chuyện "bên thuận" của chúng thì có phần còn phức tạp hơn sau nghiên cứu mới đây về cá heo. Nghiên cứu ấy tiết lộ bằng chứng rằng cá heo cũng có "tay thuận", và đặc biệt là cực kỳ giống con người khi đa số cũng thuận bên phải.
Cụ thể, các chuyên gia trong dự án Dolphin Communication Project (Dự án giao tiếp cá heo) tại Mỹ đã dành 6 năm quan sát loài cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) - loài cá heo phổ biến nhất mà con người biết đến. Họ ghi lại thời điểm chúng trồi lên mặt nước, về hướng quay mình của chúng, và rồi phát hiện ra rằng đa số đều thích di chuyển sao cho bên phải của chúng hướng về phía con mồi.
Cá heo cũng có tay thuận và đa số cũng thuận bên phải.
Trên thực tế, việc các loài động vật có "bên thuận" không phải là chuyện mới. Khỉ đột (gorilla) và tinh tinh đã được chứng minh là thuận tay phải (đa số), giống với chúng ta. Tuy nhiên, đười ươi và một số loài như kangaroo, vẹt mào trắng lại ưa bên trái. Hươu cao cổ cũng thường bước chân trái lên trước khi uống nước, trong khi họ hươu nai thì ngược lại. Thậm chí những loài như ong cũng thường di chuyển về một hướng chủ đạo thôi.
Việc có bên thuận xét ra cũng hoàn toàn hợp lý, khi khoa học chứng minh được rằng hệ thần kinh của các loài động vật thường ưu tiên một trong hai bán cầu não hơn. Mỗi bán cầu não không chỉ có chức năng khác nhau, mà còn gây ảnh hưởng đến mọi hành động của chúng ta hàng ngày.
Ví dụ ở người, khu vực chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh chủ yếu nằm ở bán cầu phải, trong khi 95% khả năng xử lý ngôn ngữ lại nằm ở bán cầu trái. Tuy nhiên, khả năng nổi bật của từng bán cầu não lại chỉ thể hiện được khoảng 70% khi xét đến các trường hợp tay thuận của con người.
Các loài cá heo cũng khác nhau về bên thuận
Loài cá heo mũi chai Thái Bình Dương (T. aduncus) lại thích hướng về phía bên trái hơn. Cá voi beluga (Delphinapterus leucas) cũng vậy, chuộng trái hơn phải. Cá heo sọc (Stenella coeruleoalba) lại chủ yếu thuận bên phải, cá heo sẫm cũng vậy.
Mỗi loài cá heo lại có bên thuận khác nhau.
Để biết được lũ cá heo thuận bên nào khi tìm thức ăn, các chuyên gia đã ghi lại âm thanh và chuyển động của hơn 30 cá thể tại ngoài khơi đảo Bimini (Bahamas - quốc gia phía tây Ấn Độ Dương). Họ đặc biệt chú trọng vào quá trình chúng bật sóng âm để dò mồi.
Tổng cộng có 709 pha vây mồi được ghi lại, trong đó 705 xoay về bên trái, sử dụng mắt phải để kiếm mồi. Kết quả này khiến các chuyên gia đặt ra giả thuyết rằng bán cầu não trái của cá heo chịu trách nhiệm xử lý hầu hết các thông tin liên quan đến con mồi, dù là hình ảnh thị giác hay thông tin do sóng âm mang lại.
Đáng chú ý, trong số này lại có 1 chú cá thực hiện 4 pha xoay về bên phải, dùng mắt trái để dò mồi. Dù tỷ lệ 1/30 không phải là lớn nếu so với con người, nhưng điều này có thể cho thấy não bộ của riêng con cá heo ấy được thiết kế khác so với phần còn lại.
Nhưng tìm hiểu điều này để làm gì?
Hoàn toàn có ý nghĩa đấy! Việc biết được nhiệm vụ của các bán cầu não trên động vật có thể tiết lộ thông tin về quá trình tiến hóa của hệ thần kinh qua thời gian. Bán cầu não hoạt động ra sao có thể mang lại hiệu ứng khác đến các phần cơ thể, khiến chúng ta tập trung vào một phía hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science.