Hóa thạch kỷ Jura tiết lộ loài cá sấu mõm dài mới

Sau gần 250 năm khai quật, các nhà khoa học cuối cùng cũng xác định được danh tính của bộ xương cá sấu hóa thạch ở bang Bavaria.

Thị trưởng Johann Friedrich Bauder lần đầu tiên phát hiện hộp sọ cá sấu 180 triệu năm tuổi bên trong một mỏ đá ở bang Bavaria, miền nam nước Đức vào những năm 1770. Tuy nhiên, các nhà cổ sinh vật học gần đây mới xác định được hóa thạch thuộc về một loài cá sấu nước mặn cổ đại chưa từng được biết tới.


Đồ họa mô phỏng loài Mystriosaurus laurillardi. (Ảnh: UPI).

Loài mới được đặt tên là Mystriosaurus laurillardi có chiều dài hơn 4m. Chúng là động vật săn mồi ven biển, sở hữu một chiếc mõm dài với rất nhiều răng nhọn, chủ yếu ăn cá và động vật có kích thước nhỏ. Giống như cá sấu nước mặn hiện đại, M. laurillardi có khả năng bơi từ đảo này sang đảo khác để đẻ trứng. Chúng cũng thường xuyên phơi nắng trên các bãi cát để làm ấm cơ thể.

Trước đây, M. laurillardi từng bị phân loại nhầm vào chi Steneosaurus bởi sự tương đồng trong hình dạng hộp sọ. Sau nhiều năm khai quật, với một hồ sơ hóa thạch đầy đủ hơn, nhóm nghiên cứu mới có thể xác định chính xác danh tính của loài bằng cách phân tích phát sinh chủng loại - nghiên cứu về lịch sử tiến hóa, phát triển và các mối quan hệ giữa các nhóm sinh vật.

"Làm sáng tỏ các hóa thạch phức tạp như Mystriosaurus là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu được sự đa dạng của cá sấu trong kỷ Jura", nhà nghiên cứu Mark Young từ Đại học Edinburgh cho biết. "Sự gia tăng đa dạng sinh học trong giai đoạn cách đây 200 - 180 triệu năm vẫn chưa được biết rõ".

Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Edinburgh thực hiện, dẫn đầu bởi nhà cố vấn hóa thạch Sven Sachs, đã được công bố trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica vào tuần này. Dự án được hỗ trợ bởi Hiệp hội Palaeontographic, Quỹ tài trợ Leverhulme Trust và Hội đồng Nghiên cứu Kỹ thuật và Khoa học tự nhiên của Canada.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất