Hóa thạch mới tiết lộ, loài cá mập khổng lồ ăn thịt cá voi cổ đại

Hóa thạch chân chèo hé lộ một loài cá mập lớn đã ăn xác cá voi tấm sừng trôi nổi trên biển 15 triệu năm trước.

Một loài cá mập phàm ăn, có thể là megalodon (Otodus megalodon), loài cá mập lớn nhất từng sống trên Trái Đất, ăn thịt cá voi tấm sừng cách đây 15 triệu năm ở vùng biển ngày nay là Maryland, theo nghiên cứu mới về xương chân chèo của cá voi. Tuy nhiên, phân tích vết cắn ở xương chân chèo hé lộ con cá voi có thể đã chết từ trước và trôi nổi trên mặt nước. Vì vậy, cá mập khổng lồ nhiều khả năng ăn cái xác đang phân hủy, ngoạm chân chèo và giật những miếng thịt ở đầu cá voi.


Phục dựng cá mập ăn xác cá voi cổ đại trên mặt nước. (Ảnh: Tim Scheirer và Clarence (Shoe) Schumaker)

"Dấu vết cắn và xé thịt bao gồm những lỗ đục nông hình vòng cung trên chân chèo là bằng chứng của hành vi ăn xác thối thay vì săn mồi chủ động", trưởng nhóm nghiên cứu Stephen Godfrey, quản lý cổ sinh vật học ở Bảo tàng Hải dương Calvert tại Solomons, Maryland, cho biết.

Nhà sưu tập hóa thạch William (Douggie) Douglass ở Maryland phát hiện xương cá voi có niên đại từ thế Trung Tân (cách đây 5,3 - 23 triệu năm) trên bãi biển gần vách đá xói mòn tự nhiên Calvert, khu vực nổi tiếng với những hóa thạch sinh vật biển. Trong suốt thế Trung Tân, Đại Tây Dương bao phủ vùng Chesapeake của Maryland hiện nay. Trầm tích chứa đầy hóa thạch hình thành nên vách đá ngày nay từng chìm dưới nước 9 - 20 triệu năm trước.

Douglass quyên tặng hóa thạch xương cá voi cho Bảo tàng Hải dương Calvert. Đoạn xương chèo dài 27,5 cm khá dẹt và có hình dáng cong nhẹ, đặc điểm chỉ ra nó thuộc về một con cá voi tấm sừng. Godfrey và thực tập sinh Annie Lowry phát hiện dấu vết cắn xé ở cả hai mặt xương chèo.

"Con cá mập hẳn phải ngoạm chân chèo rất chặt, sau đó giật đầu rất mạnh để cắn gãy chiếc xương hoặc để xé thịt. Sau khi lấy được một ít thịt, nó lại cắn chân chèo lần nữa để lấy thêm thịt", Godfrey suy đoán. "Khi cá voi chết, cơ thể nó lộn ngược và nổi trên mặt nước do khí tích tụ trong bụng từ quá trình phân hủy. Cá mập ăn xác thối thường xuyên kiếm ăn trên mặt nước, đôi khi nhô cả đầu lên, vì vậy chân chèo của cá voi trở thành mục tiêu dễ dàng đối với con cá mập lớn".

Con cá mập ăn xác cá voi có thể nằm trong số các loài: Alopias grandis, Alopias palatasi, Carcharhinus, Carcharodon hastalis, Galeocerdo aduncus, Hemipristis serra, cá mập O. megalodon chưa trưởng thành, Physogaleus contortusSphyrna laevissima. Vết cắn không hé lộ cá mập có răng cưa hay không. Nếu dấu vết không phải do răng cưa gây ra, thủ phạm nhiều khả năng là Carcharodon hastalis, tổ tiên của cá mập trắng lớn ngày nay.

Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện hôm 24/10 trên tạp chí Carnets Geology và sẽ trình bày trực tuyến hôm 5/11 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Cổ sinh vật học Động vật có xương sống.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất