Hóa thạch tiết lộ tổ tiên của thằn lằn và rắn ngày nay
Mẫu vật được tìm thấy trên dãy núi Alps được cho là hóa thạch của loài thằn lằn cổ đại sống trên Trái Đất ít nhất 240 triệu năm trước.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế hôm 30/5 công bố phát hiện một loài thằn lằn cổ đại mới mang tên Megachirella wachtleri, dựa trên mẫu hóa thạch được tìm thấy ở dãy núi Alps, phía đông bắc Italy. Loài bò sát được cho là tổ tiên của các loài thằn lằn và rắn ngày nay có thể tồn tại từ cách đây ít nhất 240 triệu năm trước, AFP hôm qua đưa tin.
Thằn lằn cổ đại Megachirella wachtleri có thể là tổ tiên của các loài bò sát có vảy. (Ảnh: AFP).
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính để quét toàn bộ mẫu xương hóa thạch ở cấp độ vi mô, đồng thời tổng hợp dữ liệu phân tích từ hơn 130 mẫu vật sống và hóa thạch khác của các loài bò sát có vảy từ 50 viện bảo tàng ở 17 quốc gia trên khắp thế giới.
Kết quả cho thấy tổ tiên của bò sát có vảy có thể tồn tại trên Trái Đất sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trước đây. Chúng có thể đã sinh sống trên Trái Đất cùng thời với những loài khủng long đầu tiên, khi hành tinh của chúng ta chỉ có một lục địa duy nhất.
"Mẫu vật này sớm hơn khoảng 75 triệu năm so với mẫu hóa thạch thằn lằn cổ đại lâu đời nhất mà con người từng biết đến. Phát hiện sẽ cung cấp những manh mối quan trọng giúp tìm hiểu sự tiến hóa của các loài bò sát đã tuyệt chủng cũng như các loài còn sinh sống hiện nay", Tiến sĩ Tiago Simoes từ Đại học Alberta của Canada, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.