Hoàn thành tẩy rửa dioxin tại Đà Nẵng vào năm 2016
Hội đồng tư vấn hỗn hợp Việt-Mỹ về chất độc da cam thông báo dự án khắc phục, xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn thành trong vòng 4 năm tới.
Cuộc họp báo thường niên lần thứ bảy của Hội đồng cố vấn hỗn hợp Việt-Mỹ (JAC) về chất độc da cam/dioxin diễn ra tại Hà Nội hôm 21/9.
Phát biểu tại cuộc họp báo, tiến sĩ Jennifer Orme Zalaveta, giám đốc Phòng Nghiên cứu Phơi nhiễm quốc gia Mỹ và là đồng chủ tọa cuộc họp báo của JAC, thông báo phía Mỹ đã giao thầu dự án khắc phục, xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng. Dự án sẽ được thực hiện sau mùa mưa năm 2013 và sẽ hoàn thành vào năm 2016. Bà Zalaveta khẳng định nỗ lực khắc phục hậu quả dioxin tại Đà Nẵng, Biên Hòa và huyện Phú Cát (Bình Dương) đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Bà Jennifer Orme Zalaveta, đồng chủ tọa cuộc họp báo thường niên lần thứ bảy của
Hội đồng cố vấn hỗn hợp Việt-Mỹ về chất độc da cam hôm 21/9. (Ảnh: Minh Long)
"Một trong những thành quả quan trọng nhất trong những năm qua là dự án làm sạch chất dioxin trong đất tại sân bay Đà Nẵng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ", bà Zalaveta bình luận.
Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khẳng định họ sẽ cung cấp 9 triệu USD trong ba năm tới để hỗ trợ và điều trị cho người khuyết tật bởi mọi nguyên nhân. Mỹ cũng sẽ trực tiếp cung cấp dịch vụ điều trị, tạo việc làm, tập huấn, đào tạo kỹ năng nghề cho những người khuyết tật hoặc nhiễm chất độc da cam.
Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Tổng giám đốc Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 33 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, trong cuộc họp vào ngày 20 và 21/9 của JAC, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong nỗ lực tẩy chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng. Theo ông Sơn, phía JAC đã khẳng định họ sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm và Bộ Quốc Phòng đang thực hiện đúng những việc đã cam kết.
Từ năm 1980, chính phủ Việt Nam đã đề ra những kế hoạch cụ thể đối phó với tàn dư của chất độc da cam/dioxin, như thành lập Ủy ban thuộc Bộ Y tế tiến hành công tác đánh giá tác động của chất độc này đối với con người và môi trường tự nhiên. Tiếp đó năm 1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập nhằm chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả chất độc này. Chính phủ đã đầu tư 6,25 triệu USD để tẩy độc dioxin và mỗi năm trợ cấp 50 triệu USD cho những người khuyết tật do chất độc da cam/dioxin gây ra.
Để phấn đấu đến năm 2020 sẽ xử lý cơ bản hậu quả chất độc da cam/dioxin, Ban Chỉ đạo 33 đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia trình chính phủ xem xét phê duyệt, PV đưa tin. Kế hoạch gồm 5 nội dung: Tẩy độc các điểm nóng dioxin; ngăn chặn việc người dân bị tiếp tục phơi nhiễm dioxin; hỗ trợ người dân sống gần các điểm nóng dioxin; nâng cấp các dịch vụ cho người khuyết tật và tiến hành nghiên cứu dài hạn.