Hơn 9 triệu ca chết sớm trên thế giới là do ô nhiễm môi trường
Những ca tử vong sớm trên thế giới hiện đang đến từ hậu quả của ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo mới nhất về Triển vọng môi trường toàn cầu GEO (Global Environment Outlook) của Liên Hợp Quốc (LHQ), tình hình ô nhiễm môi trường trên Trái đất đang trở nên nghiêm trọng. Ít nhất 1/4 số trường hợp chết sớm trên thế giới xuất phát từ nguyên nhân môi trường, và con số này tương đương với 9 triệu ca theo số liệu của năm 2015.
Báo cáo được đưa ra tại Hội nghị môi trường Liên Hợp Quốc tổ chức ở Nairobi (Kenya). Đây là năm thứ 6 kể từ khi 250 chuyên gia từ 70 quốc gia kết hợp lại và đánh giá các ảnh hưởng từ môi trường lên hơn 100 bệnh nguy hiểm khác nhau trên thế giới.
Có ít nhất 1,4 triệu người chết mỗi năm do không được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Theo bản báo cáo của GEO, có ít nhất 1,4 triệu người chết mỗi năm do không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Họ buộc phải uống nước bẩn, trong khi đó là nguồn lan truyền rất nhiều mầm bệnh khác nhau. Bi kịch hơn, đó lại đều là những bệnh dễ dàng phòng ngừa, như tiêu chảy, kiết lỵ hoặc thương hàn.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết hiện có khoảng 844 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh thiếu thốn nước sạch. Tình hình này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi dự tính đến năm 2025 sẽ có đến phân nửa dân số thế giới rơi vào hoàn cảnh đó.
Nhưng nước chỉ là một phần của câu chuyện
Hóa chất độc hại từ các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp của con người cũng gây ra nhiều trường hợp tử vong. Hóa chất gây ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, rồi ngấm vào thực phẩm và khiến con người chết dần chết mòn.
Hóa chất độc hại từ các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp của con người cũng gây ra nhiều trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất vẫn là ô nhiễm không khí, khi mỗi năm có đến 6 - 7 triệu người tử vong vì yếu tố này. Và đó chỉ là ước tính sơ bộ, vì theo Viện nghiên cứu Max Planck, con số có thể lên tới 9 triệu người mỗi năm - nhiều hơn cả lượng người chết vì khói thuốc.
Chưa hết! Trong bản báo cáo, LHQ cho rằng con số này sẽ ngày càng tăng, do hệ quả của cơn ác mộng "khuẩn kháng thuốc" đang hoành hành. Hiện tại, khuẩn kháng thuốc đang được WHO liệt vào một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe và sự phát triển của xã hội toàn cầu. Nếu như xu hướng này tiếp tục, nó sẽ trở thành nguyên nhân gây chết người lớn nhất vào năm 2050.
Tóm lại, bản báo cáo muốn chỉ ra rằng con người đang khiến hành tinh này trở nên kiệt quệ, khi tận dụng quá nhiều tài nguyên của nó. Để rồi khí hậu thay đổi, đất đai xói mòn, không khí ô nhiễm, và nguồn nước thì ngày càng cạn kiệt.
"GEO cho chúng ta thấy tài nguyên Trái đất là có hạn. Thực sự là với nhiều người, họ chẳng còn được thấy ngày mai nữa nếu chúng ta không dừng lại," - Joyce Msuya, Giám đốc điều hành của UN Environment cho biết.
Dù vậy, chúng ta vẫn chưa mất hy vọng. Theo Msuya, mục đích của nghiên cứu chủ yếu là nhấn mạnh việc con người cần phải hành động một cách khẩn trương. Nó mang đến những thông tin cần thiết, để hướng đến một xã hội bền vững vào năm 2050.
Nghĩa là, hãy hành động ngay bây giờ đi.