IBM Z mainframe: siêu máy tính mã hóa giao dịch, ngăn chặn tấn công mạng
Mẫu máy tính IBM Z mainframe phiên bản mới vừa ra mắt của IBM có thể xử lý tới hơn 12 tỷ giao dịch mã hóa mỗi ngày.
Theo Futurism, mẫu máy tính vừa ra mắt IBM Z mainframe sẽ phục vụ các hoạt động giao dịch tài chính. Bằng cách mã hóa các giao dịch tài chính quan trọng với công nghệ mã hóa AES 256-bit, IBM Z có thể ngăn tình trạng xâm phạm dữ liệu ở mọi cấp độ mạng, bao gồm các giao dịch tài chính, dịch vụ đám mây…
IBM Z mainframe có thể xử lý được hơn 12 tỷ giao dịch mã hóa mỗi ngày.
Theo ước tính, IBM Z mainframe có thể xử lý được hơn 12 tỷ giao dịch mã hóa mỗi ngày, hỗ trợ bảo mật tới 87% các giao dịch thẻ tín dụng tự động cho nhiều công ty.
Quản lý IBM Z, ông Ross Mauri chia sẻ trong thông cáo báo chí: "Hầu hết các dữ liệu bị đánh cắp hoặc rò rỉ ngày nay đều có tính chất mở và dễ tiếp cận, do việc mã hóa dữ liệu khá khó khăn và tốn kém. Chúng tôi đã tạo ra một công cụ bảo vệ dữ liệu cho kỷ nguyên đám mây, và chúng sẽ có tác động lớn tới an ninh dữ liệu trên toàn cầu".
Hệ thống máy tính IBM Z có khả năng mã hóa dữ liệu nhanh hơn gấp 18 lần so với các nền tảng khác của IBM. Hiện công ty đang có kế hoạch sử dụng IBM Z để mã hóa các dịch vụ công nghệ máy tính và điện toán đám mây của hãng. Nếu được ứng dụng, đây sẽ trở thành một cuộc cải tổ máy tính lớn nhất của IBM trong vòng 15 năm qua.
IBM Z mainframe sẽ phục vụ các hoạt động giao dịch tài chính.
Dữ liệu từ hãng phân tích Juniper Research cho biết, thiệt hại từ những vụ xâm phạm dữ liệu có thể lên tới 8 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Ngoài ra, chỉ số phân tích các mối đe dọa bảo mật của IBM X-Force khẳng định, nguy cơ rò rỉ dữ liệu đã chạm ngưỡng kỷ lục, tăng 556% trong năm 2016 với hơn 4 tỷ tài liệu, hồ sơ bị rò rỉ.
Với IBM Z, hãng tin tưởng sẽ hỗ trợ bảo mật cho các giao dịch, thanh toán có giá trị lên tới 8 ngàn tỷ USD, chiếm 87% trong tổng số các giao dịch thẻ tín dụng hàng năm.
IBM Z hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các quy định trong luật bảo vệ dữ liệu của Hội đồng thẩm định các tổ chức Tài chính liên bang (FFIEC) tại Mỹ và Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh Châu ÂU (EU).