In 3D kim loại trên không gian
Máy in 3D đang ngày càng phổ biến từ nhà máy công nghiệp đến hộ gia đình. Tuy nhiên, dự án do Cơ quan quản trị không gian châu Âu (ESA) phối hợp cùng Ủy ban Châu Âu còn đi xa hơn khi muốn đưa máy in 3D lên trạm không gian quốc tế ISS.
Dự án AMAZE sẽ chuyển lên trạm không gian máy in 3D đặc biệt, không chỉ tạo ra sản phẩm chi tiết bằng nhựa dẻo thông thường mà sẽ cho ra những đồ vật bằng kim loại tùy chỉnh, kích cỡ có thể đến 2m. Những chi tiết này có thể được lắp ráp thành một loại vệ tinh đặc biệt, từ trạm ISS bay đến thám sát mặt trăng hoặc sao Hỏa với thời gian và chi phí thấp hơn nhiều so với đi theo kiểu thông thường từ mặt đất.
Tạp chí Gizmag dẫn lời David Jarvis, Trưởng phòng Nghiên cứu năng lượng và vật liệu mới thuộc ESA cho biết, ESA đang xem xét 5 kim loại tiềm năng để tạo ra hợp kim công nghệ cao trên vũ trụ. Chúng cũng phải bền, chưa bị tan chảy ở mức 3.500 độ C dưới tác động của tia laser, chùm tia điện tử hoặc plasma.
Gizmag cho biết các kim loại dùng trong dự án này bao gồm những nguyên tố như vonfram, niobi, thậm chí là cả bạch kim để từ không gian sản xuất những linh kiện có độ bền cao nhưng trọng lượng nhẹ.
Dự án in kim loại 3D này nếu thành công sẽ không chỉ phục vụ nghiên cứu vũ trụ mà rất hữu ích cho nhiều ngành công nghiệp khác như hàng không, xe hơi, các ứng dụng trong tổng hợp hạt nhân… Hiện AMAZE đang được tài trợ 26 triệu USD để thử nghiệm theo các kiểu khác nhau để in 3D kim loại tại các nước Đức, Ý, Na Uy và Anh. ESA tin là họ sẽ sở hữu công nghệ in 3D kim loại đầu tiên trên không gian. Được biết, NASA (Mỹ) cũng đang triển khai công nghệ tương tự nhưng chỉ ở mức xử lý vật liệu polymer.