Khai quật mộ cổ, phát hiện bức tranh tường tinh xảo từ thời nhà Nguyên
Trong quá trình khai quật các ngôi mộ nhà Nguyên, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một bức tranh tường vô cùng tinh xảo.
Các nhà khảo cổ học thuộc Viện Nghiên cứu Khảo cổ Tế Nam, Trung Quốc đã khai quật được 12 ngôi mộ cổ từ thời nhà Nguyên có niên đại kéo dài từ năm 1271–1368. Các ngôi mộ được xây dựng và quy hoạch vô cùng có trật tự. Theo các ghi chép tìm thấy, những ngôi mộ cổ này nằm trên vùng đất thuộc nghĩa trang của gia đình họ Quách vào cuối thời nhà Nguyên.
Bức tranh tường chạm khắc tinh xảo bằng gạch.
Trong số 12 ngôi mộ cổ thời nhà Nguyên, có 11 ngôi mộ được trang trí với những bức tường chạm khắc tinh xảo bằng gạch. Ngôi mộ còn lại được xây dựng và trang trí bằng đá.
Li Ming giám đốc Viện Nghiên cứu Khảo cổ Tế Nam chia sẻ: “Đây là những phát hiện quan trọng nhất trong quá trình khai quật này. Dù đã bị chôn vùi dưới lòng đất hàng trăm năm, nhưng những hình ảnh tuyệt đẹp trên các bức tường này là minh chứng tuyệt vời cho tay nghề của thợ thủ công thời xưa.”
Các bức tường trong lăng mộ được sử dụng đục và búa gỗ để tạo ra những chi tiết rất kỳ công. Hai mặt của cửa lăng mộ, các nhà khảo cổ học còn phát hiện thấy chi tiết hoa văn của xe ngựa và hoa mẫu đơn rất mờ nhạt.
Lối vào các ngôi mộ cổ.
Ngoài 12 ngôi mộ thuộc về thời nhà Nguyên, các nhà khoa học còn tìm thấy 12 ngôi mộ có niên đại từ thời nhà Thanh và 11 ngôi mộ chưa xác định được. Bên cạnh đó, nhiều đồ gốm sứ, gương đồng, tiền đồng và các hiện vật khác cũng được phát hiện. Các nhà khảo cổ hy vọng rằng, những hiện vậy này sẽ giúp họ có nhiều hiểu biết hơn về gốm sứ Sơn Đông trong thời kỳ nhà Nguyên.
Nhà Nguyên hay còn gọi là Đại Nguyên là nhà nước kế tục của Đế quốc Mông Cổ do người Mông Cổ thành lập nên. Triều Nguyên do Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt lập nên vào năm 1271. Nhà Nguyên là triều đại ngoại tộc đầu tiên thống trị Trung Quốc. Triều đại này kéo dài đến năm 1368 thì bị nhà Minh lật đổ.