Khai thác nước ngầm gây động đất?
Việc khai thác nước ngầm đã góp phần gây ra một trận động đất ở đông nam Tây Ban Nha vào năm ngoái khiến 9 người thiệt mạng, theo nghiên cứu mới được công bố hôm 21/10 của các nhà địa chất học.
Kết quả này bổ sung bằng chứng vững chắc cho lý thuyết nói rằng có một số trận động đất được gây ra bởi con người, theo các nhà nghiên cứu.
Trận động đất mạnh 5,1 độ Richter đã xảy ra tại thị trấn Lorca ở Tây Ban Nha cách đây 17 tháng, khiến 9 người chết và hơn 100 người bị thương.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng rằng thảm họa này là kết quả của việc nước ngầm bị hút lên để đáp ứng nhu cầu của người dân, theo AFP.
Trận động đất ở Lorca khiến 9 người chết, 100 người bị thương
Lượng nước bị mất đã gây ra những thay đổi về ứng suất trong vỏ trái đất dọc một đường đứt đoạn và đủ để gây ra nứt gãy, làm phát sinh động đất.
Kết quả được công bố trên tập san Nature Geoscience nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của các hoạt động con người với những va chạm địa chấn.
Đội ngũ nghiên cứu do tiến sĩ Pablo Gonzalez thuộc Đại học Western Ontario (Canada) đứng đầu đã sử dụng các dữ liệu vệ tinh để vẽ lại tình trạng biến dạng của mặt đất do trận động đất ở Lorca gây ra.
Kết quả cho thấy nó tương quan với những thay đổi vỏ trái đất gây ra do việc sụt giảm mực nước ngầm tự nhiên trong 5 thập kỷ qua.
Kể từ năm 1960, mực nước ngầm tự nhiên tại khu vực đã giảm khoảng 250 mét, theo các nhà nghiên cứu.
Kết quả gợi ý rằng: “các hoạt động con người có thể ảnh hưởng đến cách thức và thời điểm động đất xảy ra”.
Trong một bài bình luận kèm theo, giáo sư Jean-Philippe Avouac thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ) viết: “Chúng ta nên thận trọng với những xáo trộn về ứng suất do con người gây ra. Chúng ta biết cách để gây ra các động đất song vẫn còn lâu mới có khả năng kiểm soát được chúng”.