Khoa học phát hiện hàng nghìn người đã có những "giấc mơ chung"! Chuyện gì đã xảy ra?

Có những giấc mơ chỉ là cùng loại, na ná nhau, nhưng cũng có những giấc mơ chung - mơ giống hệt nhau đến lạ lùng.

Năm 2017, "On Body and Soul" - một bộ phim gây tiếng vang tại liên hoan phim Berlin mở đầu bằng cảnh một cặp hươu quấn quít bên nhau, nhẩn nha kiếm ăn trong khu rừng tuyết phủ trắng xóa thơ mộng.

Ngay sau đó, phim chuyển cảnh sang một lò mổ gia súc khắc nghiệt và tanh tưởi, nơi gặp gỡ của hai nhân vật chính: Mária – nữ chuyên gia giám định sản phẩm mới đến, tính tình cứng nhắc và nhút nhát, cùng Endre – người quản lý tài chính của lò mổ với một cánh tay bị liệt, khuôn mặt khắc khổ và tâm hồn chai sạn sau cuộc hôn nhân bất hạnh.

Sẽ không có gì đặc biệt về đôi hươu trong rừng tuyết, nếu đó không phải là câu truyện trong giấc mơ hàng đêm mà Mária và Endre cùng chia sẻ. Không phải kiểu giấc mơ cùng loại, na ná nhau, mà giống đến từng chi tiết nhỏ và còn có cả sự tương tác qua lại.


Hai nhân vật chính trong bộ phim "On Body and Soul". (Ảnh: Mécs & Mesterházy)

Trong giấc mơ của Endre, anh là chú hươu đực mò mẫm được một chiếc lá dày, nhường chút đồ ăn hiếm hoi ấy cho cô hươu cái, rồi cùng nhau xuống suối uống nước. Bên kia, Mária trong mơ chính là cô hươu cái được nhường lại chiếc lá, đụng mũi với người bạn khi cùng uống nước bên bờ suối.

Từng chi tiết nhỏ trùng khớp trong giấc mơ khiến nhân vật bác sỹ tâm lý tưởng chừng đó là trò đùa được Mária và Endre dàn xếp trước. "Thật là trùng hợp kỳ lạ", vị bác sỹ nhận xét khi tạm tin hai người không bày trò.

Hàng ngàn "giấc mơ chung" đã được ghi chép!

Khái niệm "giấc mơ chung" (shared dream) như trường hợp Mária và Endre không phải do bà Ildikó Enyedi, đạo diễn và biên kịch gạo cội người Hungary, đơn thuần thêu dệt nên. Đó đúng là sự trùng hợp kỳ lạ, dù hiếm gặp nhưng có thực trong đời sống.

Theo tiến sỹ Patrick McNamara, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Đại học Boston (Mỹ) với nhiều năm nghiên cứu về giấc mơ con người, hiện có hàng ngàn tài liệu ghi lại các trường hợp mơ chung.

Ông cũng phân loại giấc mơ chung thành ba nhóm: trường hợp giữa nhà trị liệu - khách hàng, trường hợp giữa những người có mối quan hệ thân thích như cha mẹ - con cái, vợ - chồng, các cặp song sinh, và trường hợp giữa những người xa lạ với nhau.

Theo tiến sỹ lập luận, dù hiện tượng mơ chung được ghi nhận rất nhiều, nhưng phần lớn là ở dạng "anecdotal report" – tức ghi nhận lời kể, không phải dữ liệu được kiểm soát theo phương pháp khoa học. Nhất là ở trường hợp những người có quen biết nhau, khi một người đang kể về giấc mơ vừa trải qua, thì người kia có xu hướng nhảy vào "hoàn thiện" câu chuyện, và "tin rằng" họ có cùng giấc mơ. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ từng chi tiết thì vẫn có sự khác biệt.

Với hai nhóm đầu tiên, việc những người có mối quan hệ với nhau có giấc mơ tương tự nhau cũng tương đối dễ giải thích. Theo quan điểm chung về khoa học giấc ngủ, giấc mơ là những câu truyện do bộ não sáng tạo ra trong giai đoạn REM (rapid eye movement - đảo mắt nhanh) của giấc ngủ.

Nguyên liệu để tạo ra những câu chuyện là từ cảm xúc và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Những người có quan hệ với nhau thì thường chia sẻ chung môi trường, hoàn cảnh, từ đó cũng dễ dàng có cùng nguồn nguyên liệu để "chế biến" ra những giấc mơ tương tự nhau.


Nguyên liệu để tạo ra những câu chuyện là từ cảm xúc và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân

Trong khi đó, nhóm thứ ba - những người hoàn toàn xa lạ (như giữa Mária và Endre) hiếm được ghi nhận lại, vì ít có khả năng họ gặp gỡ, chia sẻ rồi phát hiện ra trùng hợp này.

Nguồn ghi nhận trong trường hợp này được tiến sỹ McNamara tin tưởng giới thiệu là trong cuốn sách của Frank Seafield mang tựa "The Literature and Curiosities of Dreams". Tiến sỹ McNamara khách quan thừa nhận mơ chung giữa những người lạ "có thể xảy ra", nhưng bản thân ông cũng không tìm được nguyên nhân tại sao.

Theo ông McNamara, giữa những người hoàn toàn xa lạ, điều duy nhất có thể giải thích việc mơ chung là họ phải ở tình trạng não bộ hoàn toàn giống nhau để sản sinh ra được cùng một nội dung nhận thức.

Tuy nhiên, điều này dường như không thể xảy ra, dù là ở những cặp sinh đôi cùng trứng. Ông đề xuất một cách giải thích khác, mà chính ông cũng thừa nhận vẫn kém thuyết phục: rằng giấc mơ không đơn thuần chỉ là sản phẩm của bộ não ghi nhận và xử lý thông tin khi ta ngủ.

Giấc mơ có lẽ là sản phẩm của thế giới văn hóa tương tác của con người, chúng trôi nổi trong chính "không gian hình thái văn hóa" ấy, và chực chờ để biểu hiện lên trên ý thức cá nhân.

Cách lý giải thứ hai của tiến sỹ McNamara dường như có điểm tương đồng với một học thuyết của một nhà tâm lý học cách đây gần hai thế kỷ: học thuyết "vô thức tập thể" của Carl Jung.

Giải mã "giấc mơ chung" qua "vô thức tập thể"


Carl Jung (1875-1961). (Ảnh: Pinterest)

Carl Jung, bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sỹ, là học trò của cha đẻ ngành phân tâm học - Sigmund Freud và cũng là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu này.

Ông cho rằng giấc mơ là tâm trí đang nỗ lực trao đổi với cá nhân, và rằng khi hai người khác nhau mơ chung một giấc mơ, họ đang lấy dữ liệu từ một nguồn chung, gọi là "vô thức tập thể".

"Vô thức tập thể" (collective unconscious) là khái niệm khiến Carl Jung đi ngược với quan điểm của Sigmund Freud, khi cho rằng "vô thức" không phải được tạo nên từ các các trải nghiệm cá nhân.

Theo Jung, "vô thức tập thể", đôi khi còn được gọi là "tiềm thức khách quan", là phần sâu kín nhất trong tiềm thức của con người, được xây dựng nên từ các trải nghiệm tập thể: Kinh nghiệm tổ tiên truyền lại cho con cháu qua các vật chất di truyền (gen).

Như mô tả của Carl Jung, "vô thức tập thể" được tạo ra từ bản năng (instinct) và nguyên mẫu (archetype) – những thứ này ở dạng hình ảnh hay biểu tượng sơ khai, có thể chồng chéo và kết hợp với nhau, và bị đè nén bởi nhận thức. Một số nguyên mẫu mà Jung đề ra gồm có người mẹ, sự sinh nở, cái chết, sự tái sinh…

Trong số đó, nguyên mẫu "người mẹ" là quan trọng nhất, có thể ở dưới hình dạng của Đức mẹ đồng trinh, đất mẹ, cánh rừng, biển cả…

Nhờ có khái niệm "vô thức tập thể", tính tương đồng và phổ quát của các hành vi hay định hướng hành vi của con người, chẳng hạn như các nỗi sợ bẩm sinh, sự công bằng hay lẽ phải, sẽ dễ dàng giải thích hơn, khi là những đặc điểm thừa hưởng qua di truyền. Những người có cùng giấc mơ, có thể vì cùng chia sẻ những nguyên mẫu sơ khai, cơ bản nhất này.

Carl Jung tin rằng giấc mơ là nơi cho chúng ta cái nhìn sâu sắc vào "vô thức tập thể". Ông cho rằng các vật thể tượng trưng và ký hiệu có một ý nghĩa phổ quát trong giấc mơ, vì chúng đại diện cho các nguyên mẫu.

Nói cách khác, những biểu tượng giống nhau trong giấc mơ thì mang hàm nghĩa giống nhau, dù là những người khác nhau.

Ông cũng cho rằng giấc mơ chính là cách bù đắp cho những phần tâm thức bị đè nén trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đặt nền tảng khoa học để nghiên cứu về giấc mơ, làm công cụ để khảo cứu, phân tích và điều trị tình trạng tâm lý hoặc các chứng ám ảnh sợ hãi.

Dù vậy, học thuyết "vô thức tập thể" cũng phải đối mặt với tranh luận và chỉ trích là một lý thuyết "giả khoa học", bởi vì rất khó để chứng minh bằng số liệu, hình ảnh rằng các biểu tượng nguyên mẫu được kế thừa và có sẵn khi con người được sinh ra.

Hàng nghìn người được ghi nhận đã có giấc mơ y hệt người kia: Có thể bạn cũng 'dự phần'

Trở lại với trường hợp Mária và Endre, nếu lý luận của Carl Jung là đúng, thì giấc mơ về cặp hươu trong khu rừng phủ tuyết trắng của Mária và Endre là biểu tượng tuyệt đẹp cho hai linh hồn cô đơn và đồng điệu, khao khát tình yêu, vô tình và may mắn tìm thấy nhau trong đời sống thực tại.

Ít nhất, khán giả xem phim ở nhiều nước trên thế giới đều có thể dùng những biểu tượng đầy tính ẩn dụ trong giấc mơ của họ để giải mã bộ phim đầy thi vị, bất chấp sự thiếu vắng các bằng chứng khoa học.

Và biết đâu, chính mỗi người chúng ta cũng đã hoặc sẽ "mơ chung" với một người nào đó – nếu giả thuyết của Carl Jung là phổ quát?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất