Không chỉ ở Việt Nam mà hoa sữa còn là loài hoa mâu thuẫn nổi tiếng xuyên lục địa
Hoa sữa - loài hoa biểu tượng của mùa thu Hà Nội, giờ đây đang là cơn ác mộng đối với rất nhiều người dân của thủ đô.
Hoa sữa từ lâu đã là một biểu tượng của mùa thu Hà Nội. "Mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió"... những câu hát sử dụng hình ảnh của hoa sữa luôn khiến những người con xa xứ cảm thấy day dứt khi nhớ về thành phố thủ đô.
Thế nhưng, cũng chính biểu tượng ấy giờ đây đang thành một nỗi ám ảnh với chính những con người sinh sống tại Hà Nội. Chính xác hơn, hãy gọi đó là một cơn ác mộng, vì hương hoa sữa nồng nặc bám theo con người ta vào tận trong giấc ngủ.
Hoa sữa - biểu tượng của mùa thu Hà Nội.
Quá mạnh, quá nồng, quá nhiều - 3 cái "quá" khiến cho nhiều người phải nhăn nhó và trở nên kỳ thị hoa sữa, đến mức sẵn sàng tìm cách ngầm "hạ thủ" bớt những cây trồng phía trước khu vực nhà của họ.
Nhưng cớ sao lại có sự mâu thuẫn như vậy? Cái không khí hoa sữa thoảng nhẹ, dịu êm của thu Hà Nội giờ đâu mất rồi? Chẳng lẽ các nhạc sĩ xưa kia... mũi điếc cả hay sao?
Hoa sữa - loài hoa mâu thuẫn nổi tiếng xuyên lục địa
Trên thế giới, hoa sữa được gọi là Alstonia scholaris, và chắc chắn chúng không chỉ có ở Việt Nam.
Mùa của hoa sữa bắt đầu từ cuối tháng 9 - đầu tháng 10 và kéo dài cho đến khoảng đầu tháng 12 dương lịch.
Là một loài cây nhiệt đới, hoa sữa xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới - chủ yếu là các quốc gia thuộc Đông và Nam Á.
Tại Ấn Độ, hoa sữa là một trong những cây bản địa được ưa thích, với mùi hương được mô tả là "khiến con người dù bận rộn cũng phải dừng lại để thưởng thức".
Tờ Bangkok Post tại Thái Lan cũng từng đưa một bài viết, khuyên rằng nên trồng hoa sữa để khử mùi nếu khu vực xung quanh quá khó chịu.
Không phải người ở đâu cũng thích hoa sữa.
Nhưng không phải người ở đâu cũng thích hoa sữa. Ở Đài Loan, người dân cảm thấy khốn khổ vì mùi hoa sữa quá nồng. Và ở Việt Nam thì... chắc cũng không cần bàn đến nữa, vì đội ngũ anti hoa sữa giờ có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.
Anti vì sao vậy? Đó là bởi hoa sữa có mùi thơm khá mạnh, khi trồng quá dày, tiếp xúc hương hoa mật độ cao sẽ trở nên nồng nặc, khiến người hít phải cảm thấy choáng váng, mệt mỏi.
Mà nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc hít ngửi hương thơm đậm đặc phát tán trong không khí lâu dễ dẫn đến làm giảm lượng oxy, gây dị ứng, đau đầu với những người có cơ địa dị ứng.
Mà đố bạn biết, tại sao hoa sữa ngày càng nồng, thậm chí kinh khủng hơn vào ban đêm?
Lý do cơ bản nhất là vì nhiều tuyến phố đã trồng hoa sữa quá dày đặc, vì đây là loài cây có ưu điểm mọc nhanh, tương đối cao, tán xoè rộng và nhanh có bóng mát. Tuy nhiên, mật độ cây quá dày sẽ khiến mùi hương trở nên đậm đặc hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, một lý do khác đến từ tốc độ đô thị hóa khiến chất lượng không khí trong thành phố giảm xuống. Ô nhiễm không khí kéo theo sự gia tăng của các loại bệnh về đường hô hấp, mũi của nhiều người trở nên nhạy cảm hơn.
Mũi nhạy cảm và mùi hoa sữa nồng nặc - "combo" này dứt khoát không nên đi với nhau. Nó có thể làm các loại bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm xoang... trở nên nặng hơn và khó chữa.
Hoa sữa có ưu điểm mọc nhanh, cao, tán xoè rộng, nhanh có bóng mát.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng hoa sữa vào ban đêm còn nồng nặc hơn ban ngày. Điều này là đúng, vì ban đêm có sương ẩm, làm tuyến hương của hoa sữa nở ra, giải phóng thêm các phân tử có mùi vào không khí.
Hơn nữa, hoa sữa không có màu sắc bắt mắt, nên chúng buộc phải sử dụng mùi hương để thu hút thêm côn trùng vào ban đêm. Vậy nên, những người không thích mùi hoa sữa nên đóng kín cửa khi đêm xuống, nếu không sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu.