Không ống xả thải CO2, xe điện vẫn tạo ra thứ có thể làm tổn thương gan thận
Tuy không có ống xả thải, xe điện vẫn gây ô nhiễm khi lốp chóng mòn, sinh ra các hạt cao su rất nhỏ.
Trên một diễn đàn của người dùng xe điện Rivian, các bài đăng phàn nàn về chuyện lốp mòn quá nhanh liên tục xuất hiện. Một người dùng ở bang Colorado, Mỹ đã chất 2 chiếc xe mô tô của mình lên thùng sau của chiếc bán tải Rivian và đi dạo chơi khắp nơi. Nhưng sau khoảng 6.000 dặm (hơn 9600km) sau đó, lốp của anh đã mòn đi khoảng 0,2mm.
Đâu đó trên những con đường mà anh đi qua, phần lốp bị mòn này đang tồn tại dưới dạng hạt siêu nhỏ. Thực tế, lốp mòn nhanh không phải là chuyện riêng với xe của Rivian, mà là chuyện chung của tất cả người sử dụng xe điện.
Pin xe điện là nguyên nhân chính khiến xe điện có trọng lượng lớn hơn xe sử dụng động cơ đốt trong cùng loại.
Khác với xe sử dụng động cơ đốt trong, xe điện không có ống xả khí thải, nhưng vấn đề lại nằm ở trọng lượng của những chiếc xe này - thường nặng hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Điều này lại khiến xe điện là tác nhân gây ra một loại ô nhiễm môi trường mới mà đang làm đau đầu các nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường.
Chuyện lốp mòn đi và gây ô nhiễm không phải là câu chuyện mới. Khi xe di chuyển trên đường, lốp chà xát với mặt đường sinh ra những hạt cao su và nhiều vật thể nhỏ khác. Sau cùng, những loại hạt siêu nhỏ (đôi khi nhỏ không kém gì một tế bào của con người) sẽ lơ lửng trong không khí, trôi nổi đâu đó ở sông hồ, hay thậm chí tồn tại trong các sinh vật sống.
Trước đây, các nhà khoa học tại bang Washington, Mỹ đã tìm thấy mối liên kết giữa chất hóa học 6PPD - là một chất có trong lốp xe dùng để ngăn nứt vỡ - và lượng cá hồi lớn chết khi chưa trưởng thành. Các nhà khoa học cho rằng khi mưa xuống, nước sẽ chảy trôi chất 6PPD xuống kênh rạch, sông hay suối, và sau đó cá sẽ ăn phải.
Lốp xe mòn sinh ra các hạt cao su gây ô nhiễm không khí và nước. (Ảnh: Automotive News).
Thêm vào đó, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, Anh quốc ước tính rằng mỗi năm, số lượng phương tiện khổng lồ trên thế giới thải ra khoảng 6 triệu tấn hạt lốp. Theo phản ánh của trường đại học này, hạt lốp là tác nhân gây bệnh tim phổi, ung thư và gây rối loạn phát triển và sinh sản.
Ô nhiễm hạt lốp cũng có thể có tác động xấu tới những người bị tức ngực và phổi tắc nghẽn; chất hóa học và các chất khác có trong lốp xe cũng có thể làm tổn thương gan, thận, và làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Kẽm và chì phát thải ra môi trường khi lốp mòn có thể gây ra đau bụng, suy thận, mệt mỏi và chóng mặt.
Hiện nay, các cơ quan quản lý tại châu Âu đã đề xuất mức giảm 27% phát thải bụi phanh và hạt lốp cho tiêu chuẩn khí thải Euro 7 sắp tới. Nếu được chấp thuận, tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng từ tháng 7/2025.
Hạt lốp dưới kính hiển vi. (Ảnh: Automotive News).
Về phía các nhà sản xuất lốp, các đơn vị lớn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đang ngồi lại với nhau để lập ra một quy trình thử nghiệm chung cho toàn ngành công nghiệp mà có thể đo chính xác mức ô nhiễm của lốp.
Theo bà Tracey Norberg, Phó chủ tịch cấp cao và Tổng cố vấn tại Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe tại Mỹ: "Bước 1 là tìm cách định lượng chính xác hiệu suất. Đây là một nỗ lực rất lớn và chung sức trong toàn ngành lốp".
Khi mặt đường mỗi nơi mỗi khác, tìm ra một loại hỗn hợp khiến lốp ít mòn hơn không phải một công việc đơn giản. Không chỉ xe điện, các nhà sản xuất lốp mong muốn có thể giảm ô nhiễm do lốp đối với tất cả mọi phương tiện, và hiện đang thử nghiệm các vật liệu có gốc sinh học.
Bà Tracey Norberg cũng cho biết: "Thường thường, sẽ không chỉ có một cách để giải quyết vấn đề. Các thành viên trong hiệp hội sẽ tìm nhiều hướng giải quyết, và sẽ tìm cơ hội để cải tiến. Điều quan trọng nhất là có một môi trường cho phép diễn ra sự cải tiến đó".