Khu vực nào ở Việt Nam có thể xem nguyệt thực dài nhất thế kỷ?
Bắc Bộ không thể quan sát được nguyệt thực vì có mưa, riêng Nam Bộ là khu vực lý tưởng để chiêm ngưỡng.
Rạng sáng 28/7, người Việt có cơ hội quan sát nguyệt thực kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00h14 đến 6h28, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h30 đến 4h13.
Tuy nhiên, không phải vùng nào trên cả nước cũng thuận lợi để theo dõi hiện tượng trên. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng mưa to vào đêm 27 và ngày 28/7, nên người yêu thiên văn không thể chứng kiến nguyệt thực từ 0h đến 6h30.
Nguyệt thực được quan sát tại Biên Hòa, Đồng Nai tối 31/1/2018. (Ảnh: Đỗ Thành An/VACA).
Điều kiện ít mây, không mưa chỉ có ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Nam Bộ. Đây sẽ là khu vực lý tưởng để xem nguyệt thực dài nhất thế kỷ.
Chuyên gia thiên văn khuyên, người xem có thể dùng mắt thường để quan sát nguyệt thực, nhưng nếu có thêm thiết bị như ống nhòm, kính thiên văn hoặc máy ảnh sẽ trở nên thú vị hơn.
Đây là nguyệt thực toàn phần lần thứ hai diễn ra trong năm, lần trước là ngày 31/1. Sau sự kiện này, đến tháng 5/2021 và tháng 11/2022 người yêu thiên văn mới được chứng kiến tiếp.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vị trí thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời nên bị che khuất bởi bóng của Trái Đất. Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối thì có nguyệt thực một phần. Khi Mặt Trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối thì có nguyệt thực toàn phần.
Lịch trình chi tiết của hiện tượng nguyệt thực rạng sáng 28/7
- 00h14: Bắt đầu pha nửa tối
- 01h24: Bắt đầu pha một phần
- 02h30: Bắt đầu pha toàn phần
- 03h21: Nguyệt thực cực đại
- 04h13: Kết thúc pha toàn phần
- 05h19: Kết thúc pha một phần
- 06h28: Kết thúc pha nửa tối
Việt Nam có hơn 5 giờ quan sát nguyệt thực toàn phần
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra vào tháng 7