Kinh ngạc "ngôi làng ma" dưới đáy hồ: nhiều thứ nguyên vẹn sau 7.000 năm
Một ngôi làng ma bí ẩn với những ngôi nhà còn nguyên vẹn phần cọc gỗ làm nền móng cùng rất nhiều vật dụng được tìm thấy ở châu Âu, được xác định có từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Công Nguyên.
Theo tờ Heritage Daily, do bị chìm trong một vùng nước thiếu oxy, các cọc gỗ làm nền móng nhà đã không bị vi khuẩn hay nấm ăn mòn, giúp việc xác định niên đại và tái hiện không gian ngôi làng trở nên hết sức dễ dàng.
Một nhà khảo cổ đang khai quật các tàn tích tại hiện trường - (Ảnh: Đại học Bern)
Công trình thực hiện bởi nhóm nghiên cứu EXPLO dẫn đầu bởi Đại học Bern (Thụy Sĩ) đã xác định được tổng cộng 800 cọc gỗ, đánh dấu rõ ràng nhiều ngôi nhà thời tiền sử thuộc về một vùng nông nghiệp trù phú 7.000 năm trước. Khu định cư đã được xây dựng ở khu vực Vịnh Ploca Micov Grad thuộc vùng Hồ Ohird nổi tiếng, gần bờ phía Đông. Hồ Ohird là một hồ lướn nằm giữa biên giới Tây Nam Cộng hòa Macedonia và Đông Albania.
"Ngôi làng ma" được dựng lên trên một vùng đất ngập nước ven vùng hồ cổ đại, giống những ngôi nhà sàn ven kênh hay được nhìn thấy ở các quốc gia nhiệt đới. Qua thời gian, ngôi làng ngày càng chìm thấp và các cọc gỗ được bảo tồn ở vị trí khó tìm kiếm.
Những cư dân đầu tiên khai phá vùng này được xác định là những người nông dân lâu đời nhất châu Âu, bởi đó là thời điểm nền nông nghiệp mới bắt đầu nhen nhóm nơi đây. Khu định cư đã được sử dụng xuyên suốt 3.000 năm từ thiên niên kỷ thứ 5 đến thiên niên kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, tức từ thời đại đồ đá đến đầu thời đại đồ đồng.
"Kho báu" còn nằm ở một lớp trầm tích dày 1,7 mét được bảo quản ở vùng nông của đáy hồ, bao gồm nhiều vật liệu hữu cơ, trong đó có phần còn lại của ngũ cốc thu hoạch được, thực vật và động vật - nuôi hoặc hoang dã.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về khu định cư và nền nông nghiệp cổ đại này sau phát hiện ban đầu.