Kinh ngạc thành cổ 4.000 năm hiện ra giữa hoang mạc Ả Rập
Tòa thành cổ đã lộ diện toàn vẹn sau cuộc khảo cổ quy mô lớn kết hợp giữa các phương pháp viễn thám, thực địa và nghiên cứu kiến trúc.
Theo bài công bố trên tạp chí Journal of Archaeology Sicence: Reports của nhóm khảo cổ đến từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và Ủy ban Hoàng gia AlUla (RCU - Ả Rập Saudi), tòa thành cổ là một "ốc đảo pháo đài" vĩ đại.
Được gọi là Ốc đảo Khaybar, cụm kiến trúc bao gồm tường bao dài 14,5km, rộng 1,7-2,4 m, cao tới 5m bảo vệ xung quanh. Bên trong là một khu định cư phức tạp rộng gần 1.100 ha.
Phế tích tòa thành cổ vừa được phát hiện ở Ả Rập Saudi - (Ảnh: Journal of Archaeology Sicence: Reports).
Trong đó bức tường thành là một trong những công trình kiến trúc cổ dài nhất từng được biết đến trên thế giới, với niên đại đáng kinh ngạc: khoảng năm 2250 đến 1959 trước Công nguyên.
Theo Ancient Origins, Ốc đảo Khaybar cùng với Ốc đảo Tayma được tìm thấy trước đó là ốc đảo có tường bao quanh lớn nhất từng được khai quật ở Ả Rập Saudi, đại diện cho một dạng khu định cư cổ khiến thế giới phải ngưỡng mộ.
Bán đảo Ả Rập nổi tiếng là một chiếc nôi của nền văn minh, nơi xã hội đã phát triển vô cùng phức tạp từ hàng thiên niên kỷ trước. Các tòa thành cổ được xây trên ốc đảo như Khaybar là ví dụ.
Khaybar và các thành cổ chiếm lĩnh ốc đảo tương tự vừa là một điểm đánh dấu xã hội và lãnh thổ quan trọng trong thời kỳ đó.
Đó là nơi có nguồn cung cấp nước tốt và môi trường thuận lợi hiếm hoi giữa hoang mạc để phát triển nông nghiệp và chăn thả gia súc, là đầu mối của hoạt động giao thương cổ đại.
Các cuộc khai quật bên trong bức tường bao vĩ đại đã cho thấy nhiều cấu trúc tang lễ khác nhau, tường bằng đá khô bản địa, vô số chữ khắc và nghệ thuật trên đá đại diện cho các thời kỳ và truyền thống đa dạng.
Tòa thành cổ này cũng được xác định là chiếc nôi của lịch sử địa phương ở vùng Tây Bắc Ả Rập Saudi, nơi hoạt động định cư chưa bao giờ bị gián đoạn bất chấp sự cằn cỗi, cho dù có sự xê dịch địa điểm đôi chút.
Những người sống ở khu vực Ả Rập Saudi cũng như trên toàn bán đảo Ả Rập cổ đại được cho là phát triển rất sớm các kỹ thuật xây dựng tầng ngập nước, hệ thống kênh để tưới tiêu, tận dụng tối đa các ốc đảo giữa hoang mạc.
Một số tòa thành cổ dạng "ốc đảo pháo đài" có niên đại "trẻ" hơn một chút cũng đã được phát hiện quanh khu vực, có những cái kiên cố như các "siêu pháo đài" hoành tránh của châu Âu.