Kinh nghiệm nuôi ếch đồng
Nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng, nhiều trại sản xuất ếch giống trên địa bàn trên cả nước đã đi vào hoạt động và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn kỹ thuật nuôi ếch.
Hướng dẫn nuôi ếch đồng
1. Về giống ếch
Hiện nay bà con nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước nuôi chủ yếu là giống ếch đồng (ếch nội), giống ếch này, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại, dễ nuôi, được thị trường trong nước và nước ngoài chấp nhận. Ếch trưởng thành sau 5-6 tháng nuôi có trọng lượng trung bình 100-120g/con.
Ếch đồng thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại.
2. Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng
Điều kiện nuôi ếch đẻ là, vườn hoặc ao có diện tích>50m2; có nguồn nước sạch, chủ động cấp, thoát; xây tường gạch cao 1,5-1,7m bao kín xung quanh, chống ếch nhảy ra ngoài; làm hang nhân tạo cho ếch trú ẩn; trồng nhiều cây xanh xung quanh nơi nuôi ếch để tạo bóng mát cho ếch trú nắng. Nếu nuôi ếch bằng ao thì thả bèo tây hoặc trồng rau muống 2/3 diện tích mặt nước. Trong vườn thắp nhiều ánh sáng vào buổi tối và trồng nhiều cây hoa (hấp dẫn côn trùng ban ngày, côn trùng hướng quang bay đến ban tối làm thức ăn bổ xung cho ếch).
Phân biệt giới tính ếch như sau, ếch đực có hai chấm đen ở hàm dưới, hai bên hầu. Bàn chân trước nháp hơn, ngón chân trước có mấu thịt hoá sừng. Da màu xám, không nhẵn bóng như con cái, ếch đực thường nhỏ hơn ếch cái nếu cùng độ tuổi, cùng chế độ nuôi dưỡng.
Ếch cái không có đặc điểm như ếch đực, đến mùa sinh sản ếch cái có bụng to, mềm hơn ếch đực.
Mật độ thả: Ếch con, loại có trọng lượng 5-10g/con: 40-60 con/m2. Sau mỗi tháng tuổi, ếch tăng trọng nhanh, diện tích nuôi cần dãn ra, tăng dần. Khi thu hoạch, diện tích lớn gấp 3-4 lần diện tích lúc thả ban đầu.
Chuẩn bị giá thể: Các giá thể thường dùng trong nuôi ếch: Lục bình, rau muống (nuôi ao), tấm nhựa nổi, bè tre, tấm nylon đục lỗ… nhằm giúp ếch lên bờ cư trú và tìm thức ăn. Giá thể không vượt quá 1/3 - 1/2 hệ thống nuôi.
Thức ăn cho ếch
Ếch sử dụng một số loài thức ăn tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: Giun, tép, ốc tôm, cá con, cua, châu chấu, cào cào…., ếch còn ăn các loại cám gạo, bột ngô, bột ngũ cốc trộn với cá, tôm, tép, lươn, chạch…
Thức ăn viên: Tại Việt Nam chưa có thức ăn chuyên cho ếch. Có thể sử dụng thức viên nổi cho cá da trơn hay cá rô phi của các công ty như: PROCONCO, CARGILL, BLUE STAR, UNIPRESIDENT, C.P, LÁI THIÊU... Thức ăn viên nổi có kích cỡ và hàm lượng đạm (protein) thay đổi theo kích cỡ hay tuổi của ếch nuôi. Hàm lượng protein trong thức ăn dao động từ 22 - 35 % (37 %).
- Giai đoạn 3 ngày tuổi (Thức ăn tự nhiên, tươi sống và 35, 37 % đạm)
- Giai đọan 15 ngày tuổi (Thức ăn có 35 % đạm)
- Giai đọan 45 ngày tuổi (Thức ăn có 30 % đạm)
- Giai đọan 90 ngày tuổi (Thức ăn có 25 % đạm)
- Giai đọan nuôi thương phẩm (Thức ăn có 22 % đạm)
Chăm sóc
Lượng cho ăn điều chỉnh hàng ngày tùy theo sức ăn của ếch. Có thể cho ăn theo bảng sau:
- 7 - 10% trọng lượng thân (ếch 3 - 30g)
- 5 - 7% trọng lượng thân (ếch 30 - 150g)
- 3 - 5% trọng lượng thân (ếch trên 150g)
Số lần cho ăn:
- Ếch (3 - 100g): Cho ăn 3 - 4 lần/ngày. Chiều tối và ban đêm cho ăn nhiều hơn.
- Ếch trên 100g: Cho ăn còn 2 - 3 lần/ngày.
Ếch ăn mạnh vào chiều tối và ban đêm hơn ban ngày (lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2 - 3 lượng thức ăn ban ngày). Định kỳ bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe và tiêu hoá tốt thức ăn.
Buổi tối, thắp đèn sáng 18-21 giờ, để thu hút côn trùng hướng quang bay tới làm thức ăn bổ xung cho ếch.
Hàng ngày phải theo dõi tình hình sinh trưởng của ếch, ếch khoẻ mạnh nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi bị bệnh ếch thường chậm chạp, ăn ít hoặc không ăn, cần có biện pháp chữa trị kịp thời.
Trước khi thu hoạch, cần vỗ béo cho ếch trong 30 ngày. Thời điểm này cho ếch ăn khẩu phần ăn tăng cường thêm chất đạm là 30% thịt cá + 70% thức ăn bột ngũ cốc + 0,2% B.Complex.
3. Phòng trị một số bệnh hại ếch
Phòng bệnh: Khi môi trường nuôi dưỡng bị ô nhiễm do nguồn nước bẩn, thức ăn thừa thối rữa,... Đầu tiên ếch bị bệnh ngoài da, sau đó bị nhiễm trùng, ếch bị trướng bụng hoặc trên da bị lở loét, không ăn, sau vài ngày sẽ chết.
Thường xuyên thay nước (5-7ngày/lần) sạch cho ếch. Vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực nuôi ếch sau khi thu hoạch và trước khi thả ếch giống bằng các loại thuốc khử trùng mới như: Virkon; Oxidan-tca; Han-Iodine; Benkocid... Các loại thuốc này cần phải luân phiên nhau khi dùng để tránh hiện tượng quen thuốc của vi trùng.
Loại bỏ những con bị chết ra khỏi khu vực nuôi. Tránh tiếng động, tiếng ồn to, đột ngột làm ếch bị Stress ăn kém và dần dần bị bệnh.
Đề phòng chuột, rắn hại ếch.
Điều trị một số bệnh thường gặp
Bệnh chướng hơi: triệu chứng bụng ếch phình to, da nhợt nhạt, ăn ít, sau không ăn và chết khi nhiễm bệnh 5-7 ngày. Điều trị, thay nước mới. Trộn Penicilin với lượng 1-2 triệu đơn vị/ 5 lít nước sạch, tắm cho 2-3kg ếch/lần/ngày (cho ếch ngâm 30phút).
Bệnh đường ruột: Khi bị bệnh hậu môn ếch bị đỏ, bóp nhẹ thấy máu đỏ chảy ra. Phân sống, màu trắng. Trị bệnh cho 1 viên thuốc Ganidan nghiền nhỏ trộn với thức ăn cho 3-5kg ếch ăn/ngày.
Bệnh đốm đỏ vi khuẩn: Bệnh thường có dấu hiệu ở đùi, ban đầu vết bệnh nhỏ như đầu đinh ghim, sau vài ngày bị lở loét.
Trị bệnh
Thay nước trong khu vực nuôi, dùng thuốc sunfat đồng (phèn xanh) pha nồng độ 5% phun khắp khu vườn và tắm cho ếch 10-15 phút trong nước sunphát đồng nồng độ 0,5-0,7%.
Bệnh trùng bánh xe: Triệu chứng ban đầu da ếch tiết ra nhiều chất nhờn, tạo ra những điểm màu trắng bạc, sau đó vết bệnh lan rộng, ếch kém ăn và chết sau 7-10 ngày nhiễm bệnh. Bệnh trùng bánh xe thường hay bị khi thời tiết nắng nóng.
Chữa bệnh: Thay nước mới, dùng CuSO4 (sunphat đồng) nồng độ 0,5-0,7% hoặc nước muối 2-3% , tắm cho ếch trong 10-15 phút.
4. Thu hoạch
Sau khi nuôi được 5-6 tháng, khi ếch đạt trọng lượng 100-120g/con thì thu hoạch, đem bán buôn, bán sỉ cho khách hàng.