Kính thiên văn Kepler chính thức "nghỉ hưu" tại nơi cách Trái đất 151 triệu km

Từ phòng thí nghiệm Vật lý không gian (LASP) Đại học Colorado, các nhà nghiên cứu đã gửi đi các lệnh để tắt chế độ an toàn nhằm ngăn Kepler tự khởi động lại và kết nối với trung tâm điều khiển thông qua việc tắt hoàn toàn các máy phát điện. Hiện Kepler đang bay chậm lại với một quỹ đạo ổn định quanh Mặt trời và cách Trái đất 94 triệu dặm (151 triệu km).

Một sự trùng hợp đầy xúc động đó là ngày kính thiên văn Kepler chính thức "nghỉ hưu" (15/11) cũng là ngày mất của Nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler (tên của ông được đặt tên cho kính thiên văn Kepler) Ông là người đã phát hiện ra các định luật về chuyển động của các hành tinh. Johannes Kepler mất ngày 15/11/1630.


Kính thiên văn Kepler chính thức "nghỉ hưu" tại nơi cách Trái đất 151 triệu km. (Ảnh: NASA).

Kính thiên văn Kepler được phóng vào không gian năm 2009, trong hành trình lang thang trong vũ trụ bao la, Kepler đã tìm ra 2.681 hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời và vô số những thông tin, dữ liệu quan trọng khác. Các nhà thiên văn học đánh giá những phát hiện của kính thiên văn Kepler đã "cách mạng hóa" hiểu biết của nhân loại về vũ trụ. Mặc dù nghỉ hưu nhưng di sản mà Kepler để lại sẽ còn được nghiên cứu trong nhiều năm tới.

Để tiếp nối sứ mệnh của huyền thoại Kepler. Tháng 4 vừa qua Kính thiên văn vũ trụ TESS, đã được NASA phóng lên không gian. TESS sẽ tập trung tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt trời ở khoảng cách gần, trong phạm vi từ 30 - 300 năm ánh sáng.


Kính thiên văn James Webb được kỳ vọng là chìa khóa để trả lời cho câu hỏi: Liệu loài người có cô đơn trong vũ trụ bao la? (Ảnh: NASA).

Một kính thiên văn vũ trụ khác hiện đại chưa từng có mang tên James Webb cũng đã được NASA lên kế hoạch phóng lên không gian vào ngày 30/3/2021. James Webb sẽ hoạt động trong vòng 10 năm với mục tiêu tìm hiểu sâu hơn về khối lượng, tỉ trọng bên trong các hành tinh cũng như thành phần các chất trong bầu khí quyển của chúng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất