Kính thiên văn lớn nhất thế giới Kepler gặp sự cố nghiêm trọng
Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay, hiện tại kính thiên văn Kepler không thể chuyển động bình thường.
Hai trong số bốn bánh răng điều khiển giúp vệ tinh định hướng đã bị hỏng, trong khi cần ít nhất ba bánh răng hoạt động tốt để điều khiển chính xác hướng của vệ tinh. Giám đốc khoa học của Nasa, ông John Grunsfeld, cho biết các nhà khoa học của NASA đang tích cực xử lý lỗi này.
Kepler được phóng vào năm 2009 và cho đến tháng vừa rồi đã phát hiện được hai hành tinh có thể chứa đựng sự sống. Cho tới nay, phi vụ trị giá 600 triệu đô la Mỹ này đã giúp phát hiện 132 hành tinh ngoài hệ mặt trời và 2700 đối tượng nghi vấn có thể là hành tinh.
Là kính thiên văn lớn nhất mà con người đưa vào vũ trụ, Kepler được thiết kế để tìm kiếm những hành tinh có kích thước hay cấu tạo giống địa cầu và những ngôi sao giống mặt trời.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, 1 trong 4 bánh răng định hướng của kính thiên văn này đã bị hỏng, khiến các nhà khoa học lo ngại rằng hoàn toàn có thể xảy ra một lỗi tương tự trong tương lai khiến cho kính thiên văn không thể hoạt động bình thường.
Trong tuyên bố của mình, NASA cho biết lỗi này được phát hiện vào hôm thứ ba vừa rồi khi kính thiên văn đang hoạt động theo lịch trình đã định và gặp khó khăn trong việc di chuyển.
Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra lúc này cho các nhà khoa học là làm sao đưa được kính thiên văn về trạng thái nghỉ, điều đó sẽ giúp nó tiết kiệm nhiên liệu để tiếp tục duy trì hoạt động cho tới khi xử lý xong vấn đề.
Kepler đã hoàn thành nhiệm vụ kéo dài ba năm rưỡi của mình từ tháng 11 năm 2012 và hiện đang thực hiện thêm các nhiệm vụ mở rộng, NASA cho hay.
NASA cho biết kính thiên văn này đã gửi được vô số dữ liệu về trạm mặt đất và chúng có thể giúp phát hiện được nhiều điều trong những năm tới.
Vào tháng trước, các nhà khoa học của NASA cho biết Kepler đã phát hiện hai hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước tới nay.