Kính viễn vọng Hubble phát hiện “bộ mặt cười ma quái” giữa vũ trụ
Trong nhiệm vụ tìm hiểu rõ hơn về quá trình các ngôi sao mới trong vũ trụ được sinh ra, các nhà khoa học của NASA đã phát hiện một “bộ mặt cười bí ẩn” đang nhìn chằm chằm ngược lại.
Hình ảnh được NASA thu được cho thấy “sức mạnh” đáng nể của kính viễn vọng Hubble có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành các vì sao ở các thiên hà xa xôi với những hình ảnh có độ phân giải cực cao.
Hình ảnh “nụ cười ma quái” trong vũ trụ được kính viễn vọng Hubble của NASA ghi lại được.
“Nụ cười” này được cho là một vòng cung ánh sáng bị bẻ cong bởi lực hấp dẫn kết hợp cùng ánh sáng từ hai ngôi sao khác vô tình tạo thành một bộ mặt cười ma quái giữa vũ trụ.
NASA cho biết thêm, hình vòng cung của ánh sáng có thể đi qua một vật thể cực lớn trước khi kính viễn vọng Hubble thu nhận được nên nó méo mó và bị kéo dài ra. Khuôn mặt cười ma quái được phát hiện nằm trong cụm thiên hà SDSS J0952 + 3434.
Hiện tại, bằng cách phân tích độ sáng, kích thước và tỷ lệ hình thành của các “vườn ươm sao” khác nhau trong vũ trụ, các nhà khoa học hi vọng sẽ tìm hiểu thêm về các quá trình dẫn đến sự hình thành của một ngôi sao mới sinh.
"Nghiên cứu các “vườn ươm sao” trong các thiên hà khác nhau sẽ cung cấp thông tin về sự hình thành các ngôi sao tại nhiều thời điểm và không gian khác nhau trong vũ trụ”, NASA cho biết.
Được phóng lên quỹ đạo vào năm 1990, đến nay kính viễn vọng Hubble có những đóng góp nổi bật trong công cuộc khám phá vũ trụ của nhân loại với khoảng 1,3 triệu quan sát. Kính viễn vọng không gian Hubble nặng 12 tấn, hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất ở độ cao 610 km. Nó quay một vòng quanh Trái Đất trong 97 phút và 15 lần mỗi ngày. Kính viễn vọng Hubble hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, một trong những con quay hồi chuyển của kính thiên văn Hubble bị lỗi, buộc các nhà khoa học phải đặt nó ở chế độ an toàn và chỉ hoạt động các chức năng cơ bản nhất.