Ký sinh trùng "tẩy não" linh cẩu non, thôi thúc chúng tới gần kẻ săn mồi
Những con linh cẩu non nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii thu hẹp khoảng cách với lũ sư tử, đặt chúng vào mối nguy tiềm tàng hơn so với các đồng loại khỏe mạnh.
Linh cẩu non là món ăn khoái khẩu của sư tử nên chúng thường ở gần bố mẹ để tránh nộp mạng cho kẻ săn mồi. Với những con bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii, tâm lý này bị đảo ngược.
Theo dữ liệu thu thập được trong nhiều thập kỷ tại Khu bảo tồn Quốc gia Masai Mara của Kenya, những con linh cẩu non nhiễm Toxoplasma gondii thường tới gần sư tử hơn và nguy cơ bỏ mạng cao gấp 4 lần so với các đồng loại khỏe mạnh.
Toxoplasma gondii khiến linh cẩu non "bạo gan" hơn. (Ảnh: Science News)
"Tôi rất ngạc nhiên khi thấy sự khác biệt lớn về "mức độ gần gũi" giữa sư tử với những con non nhiễm ký sinh trùng và không nhiễm", Kay Holekamp, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học bang Michigan và là đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications, cho biết.
Toxoplasma là loại ký sinh trùng đơn bào lây nhiễm cho ít nhất một phần ba dân số thế giới. Nó nổi tiếng với khả năng điều khiển vật chủ, chẳng hạn như chuột, hành động liều lĩnh xung quanh mèo. Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận tác động như vậy ở các loài động vật có vú hoang dã kích thước lớn.
Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy những con linh trưởng non không nhiễm bệnh ở cách sư tử trung bình hơn 90m. Con số này với các con nhiễm bệnh là 43m. Đây được xem là một khoảng cách nguy hiểm. Khác biệt này biến mất sau khi lũ linh trưởng lên 1 tuổi. Chúng hiểu rằng không nên ở quá gần lũ sư tử.
Tuy nhiên, Holekamp thừa nhận một trong những hạn chế của nghiên cứu là không rõ lũ linh trưởng non có trở nên bạo gan hơn trước những kẻ săn mồi khác hay không. Ông và các đồng nghiệp đang tìm cách điều tra nghi vấn này.