Lái xe khi tức giận tăng nguy cơ gây tai nạn gấp 10 lần
Khi tâm trí không ổn định, bạn không nên ngồi sau tay lái bởi bạn hoàn toàn có thể gây ra những tai nạn hết sức đáng tiếc.
-
Tìm hiểu nguyên nhân xe ôtô mất lái
-
Làm gì khi xe ôtô mất phanh, mất lái?
-
Nguyên lý hoạt động của hệ thống lái
-
Làm gì để không bị "nhầm chân phanh và chân ga"?
Nếu bạn chuẩn bị lái xe đi đâu đó mà lại cảm thấy không hoàn toàn thoải mái về mặt tinh thần, bạn nên xem xét hoãn chuyến đi của mình.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ mới đây đã công bố một nghiên cứu lớn nhất từng được thực hiện về những va chạm, tai nạn xe hơi trên đường phố. Theo đó, các dữ liệu cho thấy rằng, những người lái xe trong tình trạng tức giận, buồn, khóc, hoặc kích động về mặt tình cảm có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 10 lần.
Hơn nữa, những tài xế tham gia vào các hoạt động gây mất tập trung (ví dụ như sử dụng điện thoại di động) có thể khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng gấp hai lần.
Đáng sợ là, theo nghiên cứu này, hơn một nửa trong chúng ta thường bị phân tâm khi tham gia giao thông.
Lái xe trong lúc tức giận, buồn bã có thể làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông lên gấp 10 lần.
"Những phát hiện này rất quan trọng bởi chúng ta thấy rất nhiều những người trẻ cầm vô lăng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đây là những đối tượng dễ bị "dụ dỗ" vào những việc gây sao lãng trong khi lái xe", Tom Dingus, Giám đốc của Viện Giao thông vận tải tại Virginia Tech (Mỹ) cho biết.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng, nếu chúng ta không có bước tiến nào trong tương lai gần để hạn chế những hoạt động mất tập trung trong khi lái xe, các thế hệ lái xe tiếp theo sẽ có thể gặp nhiều tai nạn hơn".
Để tạo cơ sở dữ liệu cho nghiên cứu, các chuyên gia đã thu thập dữ liệu từ hơn 3.500 người tham gia giao thông trên khắp nước Mỹ trong khoảng thời gian 3 năm. Trong số đó, có đến 1.600 trường hợp xác nhận gặp phải "sự kiện tai nạn".
Những tai nạn này có mức độ từ nhẹ (như lốp xe va vào lề đường) cho đến nghiêm trọng (chẳng hạn như tai nạn đó phải báo cáo cảnh sát).
Trong tổng số 1.600 sự cố được ghi nhận từ dữ liệu, có đến 905 vụ tai nạn ở mức độ nghiêm trọng gây chấn thương hoặc có thiệt hại về tài sản. Và gần 90% trong số đó bao gồm các yếu tố liên quan đến người lái xe, chẳng hạn như mệt mỏi hoặc mất tập trung.
"Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã luôn biết rằng những yếu tố đến từ lái xe có tỷ lệ rất lớn trong các vụ tai nạn giao thông, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể khẳng định điều đó", Dingus nói.
Tài xế tham gia vào các hoạt động gây mất tập trung có thể khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng gấp hai lần.
Trong khi nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố mang nguy cơ rõ ràng như lái xe vượt quá tốc độ làm tăng nguy cơ đâm xe lên đến 13 lần, thì các yếu tố khác cũng gây ngạc nhiên cho các chuyên gia.
Trang điểm khi ngồi sau tay lái, quá để ý tới một chiếc xe khác... những hành động này đều có thể gây ra nguy hiểm mặc dù nó không xuất hiện trong dữ liệu nghiên cứu.
Vươn người, với tay để lấy một đồ vật nào đó có thể làm tăng nguy cơ tai nạn lên 9 lần, bấm số điện thoại khi đang cầm nó trong tay có thể làm tăng nguy cơ tai nạn lên đến 12 lần.
"Tất cả những phát hiện này đặc biệt quan trọng, và chúng tôi đang làm việc với các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục, những tài xế, nhà hành pháp và các kỹ sư thiết kế xe cộ để xác định và giúp giảm thiểu rủi ro khi lái xe", Dingus cho biết. "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là xác định những rủi ro và giúp đỡ mọi người tạo ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho người tham gia giao thông".