Lần đầu ghi hình sên treo mình giống nhện

Các nhà khoa học lần đầu tiên ghi hình sên Lehmannia nyctelia treo mình trên không trung nhờ một sợi tơ làm từ dịch nhầy.

Nhện có thể đu xuống mặt đất nhờ những sợi tơ nhỏ. Sên Lehmannia nyctelia dường như cũng học được cách di chuyển tương tự, Independent hôm 25/2 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Austral Ecology.

John Gould, nhà sinh thái học tại Đại học Newcastle, tình cờ phát hiện hành vi kỳ lạ của Lehmannia nyctelia khi đang nghiên cứu ếch trên đảo Kooragang, bang New South Wales, Australia.


Sên treo mình giống nhện.

Sên có thể đu xuống đất giống như nhện, nhưng thay vì tơ nhện, nó treo mình bằng sợi tơ từ dịch nhầy. Một điểm khác biệt quan trọng nữa mà nhóm chuyên gia tại Đại học Newcastle quan sát được là sợi tơ cũng kéo dài đến mặt đất phía dưới, khiến con sên trông như đang bò trên một cây cầu thẳng đứng.

Những sợi tơ này có thể đóng vai trò là phương tiện di chuyển, giúp sên di chuyển nhanh giữa những bề mặt có độ cao khác nhau. Trong video, sên xoay mình giữa không trung và dần dần hạ xuống mặt đất, sau đó bò đi.

Quan sát mới trái với các báo cáo trước đây về hành vi tiết tơ nhầy ở Lehmannia nyctelia và các loài sên đất, nhóm nghiên cứu cho biết. Các báo cáo cũ cho rằng sên chỉ treo mình ở một đầu tơ, đầu còn lại dính với bề mặt phía trên.

Một số loài sên khác, ví dụ sên báo (Limax maximus), tiết ra tơ nhầy để treo lơ lửng theo cặp trong lúc giao phối. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa từng ghi nhận trường hợp sên đơn độc dùng tơ nhầy làm phương tiện di chuyển.

Việc tạo tơ nhầy dính với cả bề mặt phía trên lẫn phía dưới giúp giảm sự dao động khi sên bò xuống, nhất là lúc trời nhiều gió. Điều này có thể khiến sợi tơ đứt sớm, nhóm nghiên cứu giải thích.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất