Lây nhiễm Covid-19 bị hạn chế tối đa khi nền nhiệt từ 17 đến 24 độ C
Kết quả nghiên cứu cho thấy ở những vùng có khí hậu ấm áp, đỉnh dịch Covid-19 thường xuất hiện trong mùa hè.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra rằng mức độ lây lan của Covid-19 giảm xuống ngưỡng thấp nhất khi nền nhiệt độ dao động từ 17 độ C đến 24 độ C. Phát hiện này giúp đưa ra cái nhìn toàn cảnh đa chiều hơn so với các nghiên cứu trước đó vốn cho rằng virus lây nhiễm càng mạnh khi nhiệt độ xuống thấp.
Học sinh đeo khẩu trang đi học tại vùng Abidjan, Ivory Coast. (Ảnh: Reuters)
“Hồi năm 2020, từng xuất hiện nhiều đánh giá cho rằng SARS-CoV-2, virus gây bệnh Covid-19, sẽ biến mất khi mùa hè đến. Và chúng ta không chắc liệu thực tế có phải như vậy không. Nhiều khi chúng ta lại thấy chủng virus giảm độc lực lây lan và nó trùng với thời điểm nhiệt độ giảm thấp”, Antarpreet Jutla, giáo sư tại Đại học Florida và là tác giả cao cấp của công trình nghiên cứu mới nhất, nhận định.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi nền nhiệt độ xung quanh dao động trong khoảng từ 17 độ C đến 24 độ C, con người thích tham gia các hoạt động ngoài trời. Dưới và trên khoảng nhiệt này, mọi người thích ở trong nhà và vì thế làm nguy cơ lây nhiễm tăng gấp đôi.
Khi ở trong nhà, con người có thiên hướng quây quần bên nhau và vì thế thúc đẩy virus lây lan và thường hít thở trong môi trường “bị kiểm soát cơ khí” từ các thiết bị như điều hòa nhiệt độ. Với những hệ thống như vậy, không khí thường khô hơn và do vậy dễ mang theo giọt bắn chứa virus.
“Khi nhiệt độ xung quanh nằm trong khoảng từ 17 đến 24 độ C, số ca nhiễm Covid-19 giảm ở cả những vùng có khí hậu lạnh lẫn ấm áp. Đây là ngưỡng nhiệt độ kích thích hoạt động ngoài trời của con người, đẩy con người tiếp xúc với không khí lưu thông. Gần đây, có nhiều trường hợp tụ tập đông người ở những nơi có khí hậu ấm áp và gây ra những ổ dịch bùng phát, trong đó phải kể đến hoạt động tôn giáo ở Ấn Độ, Pakistan, Malaysisa hay Hàn Quốc”, kết quả nghiên cứu sơ bộ được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Hoa kỳ về Bệnh nhiệt đới và Vệ sinh nêu rõ.
Lúc đầu, các nhà nghiên cứu đã tập trung làm rõ nhiệt độ ảnh hưởng ra sao đến mức độ lây lan của virus cả ở những vùng ấm áp và vùng lạnh ở Mỹ, sử dụng dữ liệu có trong năm 2020 để từ đó xây dựng mô hình toán học phức tạp để dự báo khi nào nguy cơ lây nhiễm là cao nhất.
Thay vì công bố kết quả dựa trên dữ liệu đầu vào chỉ trong năm 2020, nhóm nghiên cứu đã chờ đợi thêm thời gian để xác nhận độ chính xác của thực nghiệm trong cả năm 2021. “Chúng tôi quyết định chờ xem thực nghiệm đó liệu có đúng đối với dữ liệu của năm 2021 hay không. Kết quả là đúng vậy và mối liên hệ đó [nhiệt độ xung quanh với mức độ lây nhiễm] thậm chí còn cao hơn so với năm 2020”, giáo sư Jutla nói.
Hiện tại, mô hình đã được phê duyệt tại Mỹ, với dữ liệu được bổ sung từ Ấn Độ. Các nhà khoa học cũng đang tái đánh giá mô hình này với biến thể Omicron và lên kế hoạch chứng thực mô hình trên phạm vi toàn cầu.
Theo ông Julta, cúm mùa, một dạng bệnh cũng lây qua đường hô hấp, thường lây lan mạnh trong mùa đông. Đó là thời điểm mà nhiệt độ giảm xuống ngưỡng lạnh, người dân có xu hướng hoạt động trong nhà nhiều hơn. Nhưng với virus SARS-CoV-2, bức tranh dường như phức tạp hơn. Nhiều vùng trên thế giới có thể trải qua hai đỉnh dịch trong vòng một năm bởi nhân tố nhiệt độ.
Cụ thể, ở những vùng trên thế giới có nền nhiệt độ xung quanh không vượt qua 24 độ C, các nhà nghiên cứu dự báo sẽ chỉ có một đỉnh dịch vào mùa đông. Ở những khu vực có khí hậu ấm hơn với nền nhiệt độ không rớt xuống ngưỡng 17 độ C trong mùa đông, đỉnh dịch thường rơi vào vào mùa hè. Còn vùng có nhiệt độ vừa có thể rơi xuống ngưỡng dưới 17 độ C và vượt trên 24 độ C có thể sẽ có hai đỉnh dịch bùng phát trong cả năm.
- Các chuyên gia Trung Quốc tìm thấy chủng virus Corona mới
- Khoa học "bó tay" với người đàn ông dương tính SARS-CoV-2 suốt 14 tháng
- Bác sĩ khuyến cáo: Test nhanh Covid âm tính nhưng có dấu hiệu này thì vẫn cần cách ly