Loài cây chuyên bắt chim để biến xác phân hủy thành phân bón
Các nhà khoa học phát hiện hai loài cây mới trên một hòn đảo Caribean có khả làm mắc kẹt và giết chết những con chim thiếu kinh nghiệm.
Các hòn đảo yên bình thuộc vùng biển Caribe không chỉ là thiên đường đối với những người muốn thư giãn trên bãi biển mà còn cho nhiều loài chim đang tìm kiếm nơi trú ẩn và sinh sản, theo IFL Science. Tuy nhiên, một số hòn đảo tại đây xuất hiện loài "cây bắt chim" có khả năng bẫy và giết những con chim thiếu kinh nghiệm, biến xác phân hủy của chúng thành phân bón.
Quả của cây bắt chim có thể dính vào lông chim và giết chết chúng. (Video: BBC).
Marcos A. Caraballo-Ortiz, nghiên cứu sinh tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, và Jorge C. Trejo-Torres, chuyên gia thực vật tại Viện Bảo tồn Vùng ở Florida, Mỹ, phát hiện hai loài cây bắt chim mới có tên khoa học Pisonia horneae và Pisonia roqueae trong những khu rừng trên đảo Puerto Rico. Mô tả về chúng được công bố trên tạp chí Phytokeys hôm 26/9.
Cây bắt chim thuộc chi thực vật tên là Pisonia. Quả của cây rất dính và được bao phủ bởi vô số móc nhỏ. Thông thường chúng dính vào sau lưng những con chim và phát tán sang các hòn đảo khác. Nhưng đôi khi cây trở thành kẻ thù đối với loài động vật giúp chúng vận chuyển hạt giống.
Khi quả rơi xuống đất, nhựa dính thu hút côn trùng và khiến con vật bị mắc kẹt. Điều này thu hút những con chim muốn tìm kiếm một bữa ăn dễ dàng. Tuy nhiên, chính những con chim bay đến cũng bị mắc kẹt bởi sự kết hợp của nhựa dính và móc. Chim không thể bay lên và bị chết đói dưới gốc cây, trở thành phân bón cho đất.
Quả của cây bắt chim có chứa chất dính và được bao phủ bởi vô số móc nhỏ. (Ảnh: Jorge C. Trejo-Torres).
Dưới gốc của cây bắt chim thường xuất hiện rải rác những chiếc xương nhỏ của nạn nhân còn sót lại trên mặt đất. Đôi khi xác chim treo lơ lửng trên cành cây giống như trong chuyện kinh dị.
"Cho đến nay, chúng tôi chưa tận mắt trông thấy trường hợp chim bị mắc kẹt bởi những quả dính của hai loài mới phát hiện, nhưng các nghiên cứu trong tương lai sẽ khám phá ra khả năng này", Marcus A. Caraballo-Ortiz, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.