Loài chim lập kỷ lục bay liên tục hơn 12.000km

Một loài chim dẽ đuôi có sọc đã lập kỷ lục thế giới khi bay liên tục trong 11 ngày từ Alaska, Mỹ đến New Zealand với quãng đường hơn 12.000km.

Chim dẽ đuôi có sọc được ví von là loài chim có hình thái khí động học của “máy bay chiến đấu phản lực” đã lập kỷ lục mới trong thế giới động vật. Nó bắt đầu rời Alaska, Mỹ vào ngày 16/9 và bay đến một vịnh gần Auckland, New Zealand 11 ngày sau đó. Nó bay với tốc độ hơn 88 km/h, Guardian cho biết.

Chim mỏ cắt được các nhà khoa học đặt tên là 4BBRW, nó là một con chim trống và được gắn định vị vệ tinh ở lưng để theo dõi quá trình di chuyển của nó. 4BBRW là một trong 4 con chim mỏ cắt cùng nhau rời khỏi Alaska, nơi chúng đã sống cùng nhau trong 2 tháng.

Những con chim dẽ đuôi có sọc thường nặng 190-400 g. Nó có thể tăng gấp đôi kích thước trong các chuyến bay dài, nhưng có thể thu nhỏ các cơ quan bên trong để giảm trọng lượng.

Sau khi rời khỏi Alaska, những con chim bay về phía nam quần đảo Aleutian và tới Thái Bình Dương. Cuộc hành trình của chúng bị kéo dài bởi những đợt gió mùa đông thổi mạnh, đẩy cả nhóm về phía Australia.


Những con chim dẽ đuôi có sọc được ví như những tiêm kích phản lực. (Ảnh: BirdLife International).

Dữ liệu từ vệ tinh ghi nhận chuyến hành trình của chúng dài 12.854km. Các nhà khoa học cho rằng sau khi trừ đi sai số, hành trình của chúng khoảng 12.200km. Chuyến bay thẳng dài nhất trước đó từng được ghi nhận của một loài chim là 11.680km vào năm 2007.

Tiến sĩ Jesse Conklin, từ Global Flyway Network - một nhóm các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về di cư của động vật cho biết: “Chúng dường như có khả năng tự nhận biết chúng đang ở đâu trên thế giới. Chúng tôi thực sự không thể giải thích được điều này. Giống như chúng có một bản đồ được lập trình trong não”.

Ông nói thêm: “Chúng bay qua đại dương rộng lớn trong nhiều ngày ở giữa Thái Bình Dương không có đất liền hay đảo. Sau đó đến New Caledonia và Papua New Guinea, nơi có khá nhiều hòn đảo. Nhưng chúng có một khả năng đặc biệt để nhận ra đất liền và đáp xuống New Zealand”.

Các nhà khoa học không thể chắc chắn, nhưng tin rằng những con chim không ngủ trong suốt hành trình mà chúng đập cánh liên tục trong phần lớn thời gian.

“Chúng có mức tiêu hao năng lượng cực kỳ hiệu quả. Hình dáng của chúng giống như một máy bay chiến đấu phản lực. Đôi cánh dài, nhọn và hình dáng đẹp mắt mang lại cho chúng nhiều lợi thế về khí động học”, tiến sĩ Conklin nói.

4BBRW là một trong 20 con dẽ đuôi sọc được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Chim biển Pukorokoro Miranda bắt và gắn định vị ở vịnh Firth of Thames, đảo Bắc, New Zealand vào năm 2019.

Chúng dự kiến bắt đầu chuyến di cư trở lại vào tháng 3/2021 và bay khắp châu Á, nơi chúng sẽ kiếm ăn khoảng một tháng quanh biển Hoàng Hải, trước khi quay trở lại Alaska.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất