Loài người có gốc gác từ châu Á?
Những mẫu hóa thạch mới được khai quật tại Myanmar cho thấy tổ tiên loài người, khỉ không đuôi và có đuôi xuất xứ đầu tiên từ châu Á sau đó di cư sang châu Phi.
>>> Phát hiện hóa thạch xương người sống trên cây
Theo các nhà khảo cổ học, những dấu tích mới được phát hiện của loài linh trưởng Afrasia djijidae - động vật giống khỉ sống cách đây 37 triệu năm và có thể là tổ tiên của loài vượn người bao gồm con người, loài khỉ không đuôi và có đuôi.
Khả năng loài Afrasia djijidae - tổ tiên loài người đã di cư từ châu Á sang châu Phi
Nhà cổ sinh vật học Christopher Beard tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Carnegie (Mỹ) cho rằng những bằng chứng khảo cổ thu được tại Myanmar phần nào chứng minh, tổ tiên của loài người đã từ châu Á di cư sang châu Phi. Nhận định này hoàn toàn trái với kết quả của những nghiên cứu trước đây khi khẳng định rằng loài người có nguồn gốc từ châu Phi sau đó mới di cư sang các lục địa khác trên toàn thế giới.
Ông Beard cùng trưởng dự án nghiên cứu Jean-Jacques Jaeger tại Đại học Poitiers (Pháp) đã cùng nghiên cứu các mẫu răng từ loài Afrasia. Kết quả cho thấy chúng có cấu tạo tương đồng nhưng cổ xưa hơn với di vật vượn người đầu tiên - Afrotarsius libycus được phát hiện tại sa mạc Sahara thuộc Libya, châu Phi.
Phân tích mẫu răng của loài Afrasia và Afrotarsius chỉ ra rằng khi còn sống thức ăn chủ yếu của chúng là các loài côn trùng và các loài khỉ nhỏ.
Mặc dù có những điểm tương đồng, nhưng loài Afrasia lại có mối quan hệ họ hàng khá thân thiết với loài vượn người cổ xưa nhất - Eosimias sống tại Trung Quốc cách đây 40 - 45 triệu năm.
Song điều bí ẩn là bằng cách nào mà các loài động vật châu Á có thể vượt chặng đường dài xa xôi tới châu Phi. Điều chắc chắn là chúng sẽ phải qua vùng Địa Trung Hải hay còn được gọi là Biển Tethys để từ châu Á sang châu Phi. Vào thời điểm đó, châu Phi là một lục địa đảo giống như Australia ngày nay.
Khu khảo cổ tại Myanmar
Theo ông Beard, Afrasia có mối quan hệ thân thiết với loài người và các loài vượn người khác. Điều đó cho thấy chúng là một nhánh tiến hóa trong cây gia hệ của loài người, khỉ có đuôi và không đuôi.
Tuy nhiên, khả năng nhánh tiến hóa trên đã bị tuyệt chủng. Do đó các loài vượn người châu Á đã di cư sang châu Phi cách đây 37 - 38 triệu năm. Trong đó, một loài đã tiến hóa trong nhiều năm để trở thành họ người Homo sapiens.
Đồng thời, tổ tiên loài Afrasia tại châu Á cũng bị tuyệt chủng, khiến một số loài vượn người thực hiện cuộc hành trình ngược về cội nguồn (tức từ châu Phi về châu Á). Ví dụ, loài đười ươi đã di cư về châu Á khoảng 10 - 15 triệu năm trước.
Việc phát hiện những dấu tích của loài Afrasia đã giúp các nhà khoa học tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao loài vượn người bỗng dưng xuất hiện tại châu Phi trong khi tổ tiên của chúng lại không sống tại đó.
Tham khảo: Daily Mail